Ám ảnh hoa sữa
Không biết tự bao giờ, hoa sữa trở thành một phần của Hà Nội, nó gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người. Lâu nay, nhắc đến mùa thu Hà Nội, người ta thường nhắc đến hoa sữa. Những con đường ngập tràn hương hoa sữa đã trở thành một phần khó quên đối với những người tới Hà Nội vào mùa thu. Nếu như trước đây “những đêm hoa sữa thơm nồng” gắn liền với phố Quang Trung, đường Nguyễn Du thì giờ đây khắp phố phường Thủ đô đều đậm mùi hoa sữa.
Cuối tháng 9 tới tháng 12 dương lịch là thời điểm những cây hoa sữa dọc các con phố ở Hà Nội nở rộ. Mùi hoa sữa cũng không còn thơm thoang thoảng như trong ca khúc “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em/Có lẽ nào anh lại quên em...”, mà thay vào đó là cảnh người dân than trời vì mùi hoa sữa nồng nặc, khiến nhiều người khó chịu.
Những ngày này, người Hà Nội nói về hoa sữa nhiều hơn, từ những câu chuyện đời thường trong lúc đi chợ của các bà, các cụ tới những câu chuyện bàn về hương hoa sữa trên các trang mạng xã hội của bao bạn trẻ. Những hàng cây trồng dày đặc, cứ cách vài mét lại có một cây hoa sữa trên nhiều tuyến phố lớn như Tôn Thất Thuyết, Duy Tân, Nguyễn Chí Thanh, Quán Thánh, Lò Đúc..., bung nở trắng xóa, hương hoa lãng mạn “nồng nàn” đó lại trở thành một nỗi ám ảnh.
Có thể thấy một thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều về hoa sữa. Một bộ phận cho rằng, hoa sữa là loài hoa đặc trưng của Hà Nội, không có hoa sữa sẽ mất vẻ đẹp của đất Hà thành. Mùi hoa sữa rất thơm, rất ngọt ngào mang đậm chất riêng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hoa sữa rất khó chịu, chỗ nào cũng có hoa sữa ngửi sẽ choáng váng, nhức đầu, mùi hoa rất hắc và khó chịu. Những nhà ở mặt đường thường phải đóng hết cửa để không phải ngửi mùi hoa quá nặng và nồng.
Hơn nữa, hoa sữa rụng trắng xoá mặt đường nên việc quét và dọn dẹp với mật độ cây nhiều và dày đặc trên các tuyến phố rất vất vả. Hiện tại Hà Nội có khoảng 6.000 cây hoa sữa và nhiều ngày nay trên các tuyến phố của Thủ đô hoa sữa nở rộ khiến nhiều người khó chịu và mong muốn đề xuất chính quyền chặt bớt và thay thế loại cây này. Nhiều người cho rằng, việc trồng dày đặc loại cây này trên một số tuyến phố khiến hương hoa sữa không còn lãng mạn, ngọt ngào như trong thơ ca. Nó tạo nên thứ mùi đậm đặc khiến người ta phải thốt lên sợ hãi.
“Trước đó, khoảng tháng 5 Hà Nội đã có hoa sữa, thoang thoảng mùi hoa sữa cũng thấy thích, nhất vào những hôm lạnh. Nhưng mấy hôm nay thì thật sự khủng khiếp, mùi hoa sực lên không chỉ hắc đâu mà với người hay bị đau đầu như mình thì là ác mộng luôn. Mấy cây hoa sữa trồng cách nhà mình khoảng 100m mà tối đến phải đóng kín các cửa. Mình đang từng ngày, từng giờ “sống chung với lũ” vì thật sự mùi hoa sữa quá nồng khiến mình rất khó chịu. Có hôm mùi hoa khó chịu quá, mình phải sơ tán sang phòng bạn ở nơi cách xa cây hoa sữa để ở”, bạn Ninh Lan (Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ người dân sống trên những con phố này bị ảnh hưởng mà nhiều người kinh doanh trên vỉa hè cũng cho biết, công việc của họ có phần “chững” lại bởi mùi hoa nồng nặc, ngộp thở đặc kín không gian. Con phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) dài 1,8km nhưng phải đến gần trăm cây hoa sữa. Bán nước trên phố này, bà Nguyễn Thị Dinh than thở: Mùi hương nồng nàn của nó tạo cảm giác đau đầu, khó chịu.
Khổ nhất là những người dân mà ngay trước nhà, sau nhà hay cách đó không xa là những hàng sữa xum xuê nở rộ. Về đêm, hoa nở rộ hơn, gió đẩy hương bay xa sợ khắp cả một vùng trời. Bình thường tôi bán nước đến 10h tối nhưng mấy tuần nay tôi phải dọn hàng sớm vì bản thân tôi không chịu được mùi hoa sữa và khách cũng vậy họ ít đến quán tôi ngồi hơn. Người lớn đã vậy chứ với trẻ nhỏ mùi nồng nặc đó chẳng khác nào tra tấn chúng.
Cùng chịu trận sống chung với hương hoa nồng nặc, mấy bác xe ôm cũng phải khiếp sợ mà than lên. Anh Nguyễn Dư Đình (quê Nam Định) làm nghề xe ôm đã nhiều năm trên phố Tôn Thất Thuyết chia sẻ: Ngày bình thường tôi ít khi đeo khẩu trang, nhưng cứ đến mùa hoa sữa tôi phải trang bị 3 chiếc khẩu trang, đeo thường xuyên trong cả lúc đừng chờ khách và chở khách đi trên đường. Thỉnh thoảng vào dịp hoa nở rộ thì không dám đứng lâu dưới gốc cây, bởi có khi đau đầu, buồn nôn cả ngày vì cái mùi hoa nồng nặc đó. Tôi mong chính quyền chặt bớt lượng cây hoa sữa đi cho cuộc sống của chúng tôi đỡ bị mùi hoa sữa làm xáo trộn.
Hoa sữa có thể gây dị ứng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, hương hoa sữa rất nồng, nếu ngửi ít thì thấy nồng nàn, ngọt ngào, nhưng nếu cả phố đều là hoa sữa sẽ thành nồng nặc, khó thở và không tốt cho sức khỏe, nhất là những người có bệnh về đường hô hấp, bệnh dị ứng. Hơn nữa, hoa sữa và quả có rất nhiều lông, những sợi lông nhỏ này theo gió bay trong không khí sẽ làm ảnh hưởng đến đường hô hấp của con người. Đặc biệt, với những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với hương hoa, phấn hoa, sợi lông nhỏ ở hoa sẽ gây tái phát cơn dị ứng, tái phát cơn hen, bị mẩn ngứa và thậm chí là nổi mụn, ban đỏ trên da khi tiếp xúc với chúng. Bởi phấn hoa, trong đó có phấn hoa sữa là một trong những dị nguyên gây khởi phát dị ứng.
Với những người bị bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… những mùi kích hoạt như hương hoa sữa sẽ làm cho người bệnh khó chịu, bệnh trở nên trầm trọng hơn. Khi những người bị các bệnh đường hô hấp, người có cơ địa dị ứng hít phải hương hoa sữa, phấn hoa sữa sẽ làm bệnh nặng hơn, hay tái phát bệnh, cơn khó thở tăng lên… Nhất là thời điểm hoa sữa nở rộ sẽ bị khó thở, nhức đầu, chóng mặt… và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Do đó, để hoa sữa luôn đẹp, hương thơm của nó có giá trị thì việc trồng hoa sữa phải có thẩm mĩ, phải trồng văn minh, tức là trồng cách xa nhau, xa khu dân cư và trồng xen kẽ với các loại cây khác chứ không phải trồng thành hàng hàng, dãy dãy như bây giờ’.
Đồng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông Y Hà Nội cho biết, hoa sữa không phải là một vị thuốc trong Đông y. Một số thông tin cho biết, hoa sữa vị đắng, tính lạnh, có tính năng thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống, binh suyễn, chỉ khát, triệt ngược (sốt rét muỗi truyền) phát hãn, kiện vị, lương y Vũ Quốc Trung khẳng định, những điều này không đúng. Nếu trong một khu phố nhỏ có một cây hoa sữa thì sẽ dễ chịu, nhưng trồng nhiều cây dễ phản tác dụng. Mùi của hoa sữa cũng giống như một số loài hoa khác. Thoang thoảng thì không vấn đề gì, nhưng nếu hít phải thường xuyên, đặc biệt với trường hợp người mắc bệnh về mũi, sẽ bị dị ứng hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, nước mắt. Những người này không nên tiếp xúc lâu với mùi hoa sữa.
Trước những than thở, ý kiến trái chiều của người dân, nhiều người đặt câu hỏi, tại sao hoa sữa từng đẹp đẽ trong thi ca, bỗng trở thành nỗi ám ảnh đe dọa sức khỏe con người. Có thể, đó là do xuất phát từ sự bất hợp lý trong công tác quy hoạch cây xanh tại khu vực nội đô, các khu đô thị. Việc quy hoạch trồng quá nhiều hoa sữa trên một số tuyến phố đã dẫn đến tình trạng người dân “lao đao” vì hoa. Hoặc có nơi người dân trồng tự phát mà thiếu sự quản lý nên đến lúc quá nhiều thì không kịp. Nhiều ý kiến cho rằng, từ bài học cây hoa sữa rất cần có sự quy hoạch trồng những loài cây khi nở hoa có mùi hương nồng ở những tuyến phố xa khu dân cư sinh sống, hoặc giảm mật độ bằng cách trồng xen với các loại cây khác, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Những sự phản ánh này làm nhiều người dễ liên tưởng đến vụ “kiện hoa sữa” ở Trà Vinh vì loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhiều lần đưa ra chính quyền không được xử lý, các hộ dân đã đâm đơn kiện ban ngành đô thị tỉnh Trà Vinh vì trồng cây gây ô nhiễm môi trường. Tại TP Đà Nẵng vào cuối năm 2011, chính quyền đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Hà Nội hiện có khoảng 6.000 cây hoa sữa. Trong 2 năm 2016 và 2017 vừa qua phía công ty không đưa vào trồng mới cây hoa sữa nào. Dự kiến sang năm tới công ty cũng không đưa vào trồng mới bất cứ cây hoa sữa nào trên địa bàn công ty quản lý. Còn về đề xuất chặt hạ hoặc thay thế cây hoa sữa thì phía công ty chúng tôi chỉ là đơn vị thực hiện, còn về chủ trương đề xuất thay thế hoặc chặt hạ cây hoa sữa thì phải nằm trong quy hoạch và Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị được thành phố giao việc này”.