Ông Amos Hochstein, cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với Reuters rằng có "khoảng thở" cho đến năm 2024 để đảm bảo Ukraine giữ vị thế là một quốc gia trung chuyển khí đốt nhưng kêu gọi Kyiv hướng tới các nguồn năng lượng thay thế.
Hoa Kỳ là người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Ukraine trong mối quan hệ đối đầu với Moscow kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nhưng Kyiv đã phản đối một thỏa thuận giữa Mỹ và Đức vào tháng 7 cho phép hoàn thành dự án Dòng chảu Phương Bắc (Nord Stream) 2 trị giá 11 tỷ USD.
Công ty Gazprom của Nga hôm 10/9 cho biết họ đã hoàn thành việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đến Đức qua Biển Baltic, bỏ qua Ukraine. Vì vậy, Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy lo ngại Nga sẽ sử dụng nó như một vũ khí địa chính trị và tước đi hàng tỷ USD phí vận chuyển của Ukraine.
Thỏa thuận vận chuyển khí đốt hiện tại của Ukraine với Nga sẽ hết hạn vào năm 2024. Moscow đã không đưa ra cam kết chắc chắn về việc gia hạn hợp đồng.
Ông Hochstein đã đến Ukraine và Ba Lan, quốc gia cũng chỉ trích thỏa thuận Mỹ-Đức vào tháng 7, "để nói chuyện và đưa ra lời trấn an cho họ", ông nói bên lề hội nghị thượng đỉnh Chiến lược châu Âu Yalta (YES).
"Tôi nghĩ chúng ta phải chuyển quá trình từ việc nói về những gì chúng ta mong muốn sẽ xảy ra, rằng dự án sẽ không hoàn thành, sang thực tế là bây giờ nó đã hoàn thành".
Khi được hỏi liệu ông có tin tưởng Ukraine sẽ duy trì được hợp đồng vận chuyển khí đốt của mình hay không, ông Hochstein nói: "Tôi tin tưởng 100% rằng chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể và người Đức cam kết làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng quá trình đó tiếp tục".
Ukraine muốn Dòng chảy Phương Bắc 2 bị dừng. Nếu không, ông đã kêu gọi Washington và Berlin vạch ra những đảm bảo cụ thể về việc bảo vệ lợi ích của Kyiv. Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến thăm Ba Lan.
Ông Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Zelenskiy, cho biết tại hội nghị thượng đỉnh YES rằng "ngày nay Ukraine buộc phải tin không phải lời nói mà là những bước đi thực tế".
Washington chưa cho biết họ sẽ có những hành động nào chống lại Nga. Nhưng ông Hochstein nói: “Có một hợp đồng còn hiệu lực đến năm 2024, vì vậy chúng tôi có một khoảng thời gianđể đảm bảo rằng họ làm đúng với hợp đồng mà họ có ngày hôm nay và nó sẽ không kết thúc vào năm 2024”.
Thỏa thuận Mỹ-Đức quy định một "Quỹ Xanh cho Ukraine" mới trị giá 1 tỷ USD nhằm cải thiện sự độc lập về năng lượng của đất nước này. Theo ông Hochstein: “Chúng tôi cũng phải bắt đầu làm việc với Ukraine trong việc chuyển đổi nền kinh tế năng lượng ở đây để phù hợp với những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới, và đặc biệt là ở châu Âu".