Những năm đầu thế kỷ 20, nhà Hưng Ký không chỉ nổi tiếng về sự giàu sang, mà còn nổi tiếng vì có nhiều con gái, cháu gái xinh đẹp. Tiểu thư Trần Thị Thành, cháu ngoại nhà tư sản Hưng Ký, từng đạt giải hoa khôi trong cuộc thi hoa khôi cuối cùng thời Pháp thuộc, tổ chức năm 1939, là một trong số những khuê nữ của đại gia đình.
Cuộc đời tiểu thư Hà Thành được kể lại qua hồi ức của người em gái họ, năm nay đã 83 tuổi, chất chứa nhiều nỗi niềm hoài cổ và phần nào chứng minh cho quy luật “hồng nhan đa truân”…
Danh gia vọng tộc
Bà Bùi Thị Bích Liên (83 tuổi, ngụ khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) là một trong số ít ỏi những người cháu của đại gia Hưng Ký còn sống tại Việt Nam. Bà kể: “Ông ngoại tôi là thương nhân Hưng Ký, chủ nhà máy gạch ngói Hưng Ký lớn nhất Hà Nội. Nhà ông nổi tiếng vì có nhà máy gạch tận bên Cầu Đuống, có thể sản xuất ra loại gạch đỏ và ngói tốt nhất trên toàn Đông Dương, cạnh tranh được với cả gạch của Pháp. Ông ngoại có mấy người vợ, bà ngoại đẻ ra mẹ tôi là vợ hai, nhưng lại có công lớn trong việc phát triển nhà máy gạch nên các con cháu đều rất được cưng chiều”.
Áo dài thời xưa. |
Bà Trần Thị Thành, người chị con bác của bà Liên, đã sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc như thế. Bà Liên còn nhớ rõ năm mình khoảng 9 - 10 tuổi (năm 1939) chính là thời điểm “chị Thành” đi thi hoa khôi.
Hồi đó việc con gái ăn mặc tân thời, lại đi tham gia một cuộc thi để người ta “chấm điểm” các số đo cơ thể là một chuyện “tày trời”.
Cô thiếu nữ Trần Thị Thành đã phải lén lút đi thi, chỉ dắt theo cô em gái họ Bùi Thị Bích Liên để có người bầu bạn.
Người con gái đẹp trong lồng kính
Một điều thú vị của cuộc thi hoa khôi diễn ra gần 80 năm trước là việc đọ sắc được tổ chức rất công phu, bài bản. Mặc dù không có những phần thi “nóng bỏng” như thi áo tắm thời hiện đại, nhưng số đo của các thiếu nữ Hà Thành lại được “cân đo đong đếm” đến từng… milimet.
Bà Liên kể lại: “Tôi nhớ là chỉ có khoảng trên, dưới chục người tham dự cuộc thi thôi. Nhưng các giám khảo xem xét rất chi ly. Họ không chỉ đo chiều cao, mà còn đo tỉ mỉ xem lưng dài bao nhiêu, chân dài bao nhiêu, tỉ lệ có cân đối không. Rồi còn đo chiều dài cánh tay, bờ vai.
Thậm chí còn đo cả cái gốc ngón tay với đầu ngón tay, để so sánh xem tay có búp măng, thon thả hay không”.
Để lọt vào “mắt xanh” của các vị giám khảo, theo bà Liên, người đạt danh hiệu hoa khôi phải có gương mặt thanh thoát, dáng người đẹp, nước da thật trắng, cơ thể cân đối đến từng… ngón tay.
Phần thưởng sau khi vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao là vài chục đồng Đông Dương và một vài bộ quần áo được may bởi những nhà may danh tiếng nhất của Hà Nội thời bấy giờ.
Một điểm độc đáo của kỳ thi hoa khôi Hà Thành giai đoạn này là người trúng giải phải đứng trình diễn trong lồng kính ở ngay giữa Bờ Hồ Hà Nội.
“Chị tôi được đưa vào đứng trong một cái lồng kính ngay trên vỉa hè phố Lê Thái Tổ, chỗ đối diện với tòa soạn báo Hà Nội Mới bây giờ.
Lồng kính quay lòng vòng, thắp đèn điện sáng rực, bà ấy lại mặc áo dài lụa rất đẹp, đứng giữa chỗ phố đông đúc nên rất nhiều người đến xem, có cả người chụp ảnh. Nhưng tất cả mọi người đều phải đứng cách xa một mét. Còn có cả “đội xếp” (cảnh sát – PV) đứng xung quanh để bảo vệ. Tôi còn nhớ chị tôi phải đứng như thế trong hai buổi tối, mỗi buổi 15 – 20 phút”, người em gái hồi tưởng.
Sau hàng chục năm, bà Liên không thể tìm được một bức ảnh của hoa khôi Trần Thị Thành, nhưng câu chuyện về những phiên đấu xảo có tổ chức thi hoa hậu giai đoạn này có nhiều nhà khoa học ghi nhận.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Giai đoạn đầu thế kỷ 20 đã bắt đầu có tổ chức các hội chợ quy mô tỉnh - thành và quy mô toàn Đông Dương ở Hà Nội. Trong các hội chợ này thường tổ chức thi hoa khôi. Báo chí thời đó như tờ Trung Bắc chủ nhật còn lưu lại hình ảnh về các cuộc thi này”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, người dày công nghiên cứu về Hà Nội xưa, cũng đã viết: “Năm 1902, Hà Nội trở thành đô thị trung tâm của Đông Dương (bao gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Campuchia). Cũng trong năm này, Toàn quyền Đông Dương quyết định tổ chức hội chợ lần đầu tiên. Tham dự hội chợ không chỉ có các nước trong khu vực mà còn có các nước châu Phi là thuộc địa của thực dân Pháp.
Tại hội chợ, lần đầu tiên người ta tổ chức cuộc thi hoa khôi cho các cô gái Việt Nam”.
Bà Liên cho rằng cuộc thi hoa khôi mà chị mình tham dự năm 1939 là cuộc thi sắc đẹp cuối cùng của Hà Nội thời thuộc Pháp. Điều này có lẽ hợp lý vì năm 1939 cũng trùng với thời điểm bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có thể do những biến động về chính trị mà việc tổ chức các cuộc đấu xảo không thường xuyên và những cuộc thi sắc đẹp cũng vì thế mà gián đoạn.
Hoa hậu đi bán xôi chè
Một năm sau cuộc “đăng quang” đình đám, hoa khôi Trần Thị Thành lên xe hoa. Bà kết hôn với Lê Hoàng Vũ, một công tử con gia đình kinh doanh đồ da lớn nhất phố Hà Trung thời bấy giờ.
Bà Liên còn nhớ mãi đám cưới linh đình với những chiếc xe ô tô đón dâu bóng loáng, đoàn rước dâu đông tới mức người đầu tiên đã đến phố Hàng Trống (nhà gái), mà người cuối cùng còn ở phố Hà Trung. Nhưng đám cưới xa hoa lại là mở đầu đoạn đời buồn của cô thiếu nữ Hà Thành xinh đẹp.
“Anh rể tôi là con nhà giàu có, hết sức chiều chuộng vợ, nhưng ghen tuông thì không ai bằng. Bà Thành sau khi lấy chồng thì không được giao du với bên ngoài, chỉ quanh quẩn ở cửa hàng bán đồ da của nhà chồng. Nhà tôi cũng không còn bức ảnh nào của bà ấy vì bà ấy từ khi lấy chồng có được chụp ảnh nữa đâu, những bức ảnh đẹp từ thời con gái thì ông chồng giữ hết”, bà Liên kể lại.
Hoa khôi Trần Thị Thành. |
Một câu chuyện kỳ quặc minh chứng về mức độ ghen tuông của Lê Hoàng Vũ được bà Liên kể là: Cứ mỗi lần ông Vũ ghen bóng ghen gió chuyện gì, ông ấy không đánh vợ mà vác dao tự chém vào đùi mình.
“Bà Thành vì thế mà sống khép kín hắn, không có mấy người phụ nữ đẹp ở Hà Nội mà lại sống kín tiếng như bà ấy. Cuộc thi hoa khôi thành ra là lần đầu tiên và lần duy nhất bà ấy xuất hiện trước đông người”, người em ngậm ngùi.
Năm 1955, sau nhiều biến động của lịch sử, ông Lê Hoàng Vũ mở cửa hàng bán đồng hồ ở phố Hàng Da, còn cô vợ tiểu thư khuê các thì thành chủ một hàng xôi chè ở gần đó, trong chợ Hàng Da.
Bà Liên nhớ lại hàng chè của chị mình lúc nào cũng rất đông, vì bà Thành vẫn giữ được tài nữ công gia chánh, nấu nướng khéo léo, ăn nói nhẹ nhàng như thời con gái. Bà Thành có bốn người con, trong đó có một con trai bị tật. Cuộc sống thời hậu chiến khó khăn, lại thêm cảnh đông con, nên bà Thành cũng phải bươn chải, tần tảo như bất cứ người phụ nữ nào ở Hà Nội thời đó. Bà Thành mất năm 1988, khi mới ngoài 60 tuổi.
Theo bà Liên thì hai người con gái của chị mình cũng không được thừa hưởng sắc đẹp của mẹ, cũng không ai được học hành và cũng chỉ buôn bán nhỏ ở Hà Nội.
“Cuộc đời chị tôi chỉ có một giai đoạn hạnh phúc ngắn ngủi, chính là giai đoạn hưng thịnh của nhà Hưng Ký. Sau này có lẽ vì cái lộc của gia đình đã hết, cũng có thể vì chiến tranh, loạn lạc, nhiều người anh em họ hàng của tôi cuộc sống cũng khó khăn như bà Thành”, bà lão 83 tuổi hồi tưởng.
Bà Bùi Thị Bích Liên hiện nay sống với người chồng là bác sĩ Nguyễn Văn Nhân, từng là một chuyên gia trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (thuộc Viện Quân y 108).
Bà Liên cũng là một cán bộ công tác lâu năm và có nhiều đóng góp tại Văn phòng Hiệp hội chè Việt Nam. Bà vẫn giữ được một vài bức ảnh chụp hồi trẻ và rất nhiều những ký ức về Hà Nội xưa.
Bà cụ tâm sự: “Bây giờ Hà Nội đông đúc hơn xưa và cũng xô bồ hơn ngày xưa nhiều quá. Tôi cứ mong nếu có một cuộc thi sắc đẹp cho các cô gái Hà Nội bây giờ, thì chỉ thi áo dài như ngày xưa thôi. Vì tà áo dài vẫn là đẹp nhất, nó kín đáo, nền nã, đẹp hơn hẳn mặc áo tắm lên sân khấu. Hay là tôi cổ hủ mất rồi?”.
Theo Xa lộ pháp luật