Tiền thuê nhà của tôi sao bà ấy lại đòi hưởng?
Vấn đề vướng mắc trong rất nhiều vụ ly hôn là tranh chấp về tài sản. Vợ chồng ông T.T.B và bà N.T.L (ở Hà Nội) mâu thuẫn trầm trọng, sống ly thân đã lâu nhưng khi ông B đưa đơn ly hôn thì bà L nhất quyết không ký vì sợ nếu ly hôn ông B sẽ tẩu tán, chiếm hết tài sản. Theo như bằng chứng bà N.T.L. đưa ra thì kể từ ngày sống ly thân, toàn bộ lợi tức, thu nhập từ sáu căn nhà cho thuê cũng như việc kinh doanh sân thể thao vốn là nguồn thu nhập chính trong gia đình bấy lâu nay ông B. giữ hết mà không hề đưa cho bà một đồng nào để bà ổn định cuộc sống và nuôi hai đứa con.
Ông T.T.B thì cho rằng tuy chưa ly hôn, nhưng vì không chung sống với bà N.T.L. nữa nên ông không có trách nhiệm phải đưa cho bà số tiền thu nhập từ việc cho thuê những căn nhà vốn là tài sản riêng của ông có trước hôn nhân. Bà L thì cho rằng bà có công lớn trong việc sửa sang, tu bổ cũng như góp sức kinh doanh mang về lợi nhuận, làm nguồn sống cho cả gia đình nên khi ly hôn bà phải được hưởng phần công sức đóng góp. Tranh cãi cứ thế kéo dài khiến cho cả hai bên cùng mệt mỏi…
Tài sản thì vẫn riêng, nhưng hoa lợi là của chung
Đó là điểm mới trong quy định về tài sản chung vợ chồng của Luật Hông nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 so với Luật HN&GĐ năm 2000 trước đây. Cụ thể, khoản 1 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân…” .
Bình luận về điểm mới này, TS. Nguyễn Văn Cừ - Đại học Luật Hà Nội cho rằng như thông thường mọi người vẫn hiểu tài sản chung của vợ chồng cụ thể bao gồm: tiền lương, tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền hưu trí; những thu nhập hợp pháp mà vợ chồng làm kinh tế gia đình; những tài sản mà vợ chồng mua sắm được bằng các khoản thu nhập nói trên (tivi, tủ lạnh, xe máy, nhà ở...); những tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung. Nhưng ngoài ra, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định nội dung là tài sản chung của vợ chồng còn bao gồm “những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân”. Quy định này đã bảo đảm tính thống nhất về căn cứ, nguồn gốc xác lập tài sản chung của vợ chồng liên quan đến loại tài sản này.
“Về lý thuyết, hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của vợ, chồng.
Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình” – TS. Nguyễn Văn Cừ.
Theo TS. Nguyễn Văn Cừ, trước đây, do Luật HN&GĐ năm 2000 không quy định cụ thể về vấn đề này nên đã có những quan điểm hiểu và áp dụng không thống nhất trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng liên quan đến những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân.
Có hai luồng quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Một bên cho rằng những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân vẫn thuộc tài sản riêng của vợ, chồng vì chỉ với tư cách chủ sở hữu mới có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó. Nhưng bên kia lại phản bác vì theo họ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân được coi là những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì về nguyên tắc phải được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Như vậy, “theo tôi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 là hợp lý vì đã vừa kế thừa khoản 1 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 và vừa đưa quy định mới về thành phần tài sản chung của vợ chồng vào luật. Từ đó đã giúp hóa giải được sự không thống nhất lâu nay trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng liên quan đến những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân” – TS. Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh.