Tại buổi hòa giải do Tòa án quận tổ chức, nguyên đơn và bị đơn trong vụ “tranh chấp hợp đồng thi công” đã thỏa thuận được những nội dung mà hai bên tranh chấp. Tuy nhiên, thay vì ra quyết định hòa giải thành thì bất ngờ Tòa lại mang vụ án ra xét xử và tuyên khác hẳn với nội dung như đã thỏa thuận tại buổi hòa giải, vừa gây thiệt hại cho bị đơn, vừa vi phạm tố tụng.
Hòa giải xong…
Ông CHO JANE HEE đai diện Công ty TNHH Sao Tháng Bảy Việt Nam (243-243B Hoàng Văn Thụ, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM) - đơn vị thi công công trình và cũng là bị đơn trong vụ kiện “tranh chấp hợp đồng thi công” mà nguyên đơn là Công ty TNHH DONGBANG VINA trình bày: Theo hợp đồng thi công thì Công ty chúng tôi giao lại cho Công ty TNHH Dongbang Vina có nghĩa vụ thi công hạng mục khung kèo thép của Công trình. Nhưng do hạng mục này có dấu hiệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng và có thể không an toàn trong sử dụng (cột và kèo của các nhà xưởng, nhà kho không thẳng hàng, buloong liên kết bị rỉ sét,...).
Chính vì vậy, Chúng tôi chưa thanh toán số tiền hơn 3,7 tỷ đồng (tương đương 228.500 USD) cho Công ty Dongbang Vina, cho nên Công ty Dongbang Vina đã khởi kiện Công ty chúng tôi ra TAND quận Tân Bình, TP.HCM để yêu cầu Chúng tôi thanh toán số tiền trên.
Ngày 14/3/2011, TAND quận Tân Bình đã tổ chức phiên hòa giải. Theo đó, Công ty Sao Tháng Bảy đồng ý thanh toán số tiền thiếu đối với Công ty TNHH DONGBANG VINA gần 4,8 tỷ đồng (tương đương 228.500 USD) trong thời hạn hai tháng.
Trái lại Công ty TNHH DONGBANG VINA không yêu cầu tiền lãi trên số tiền mà Công ty Sao Tháng Bảy chậm thanh toán; đồng thời Công ty Sao Tháng Bảy rút yêu cầu phản tố đòi Công ty TNHH DONGBANG VINA số tiền gần 2,6 tỷ đồng tiền (chi phí hạng mục công trình không đúng chất lượng mà trước đây phía Công ty Sao Tháng Bảy đòi Công ty TNHH DONGBANG VINA) .
Nội dung biên bản hòa giải thành là thế. Thay vì nếu không có kháng cáo thì Tòa sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành thì bất ngờ ngày 22/7/2011, TAND quận Tân Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng thi công” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH DONGBANG VINA và bị đơn là Công ty Sao Thảng Bảy.
… Xét xử tiếp?
Tại phiên tòa, Công ty TNHH DONGBANG VINA đề nghị tính lãi quá hạn, áp dụng tỷ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam tại thời điểm xét xử và đã được Hội đồng xét xử chấp nhận. Do đó, số tiền mà phía Công ty Sao Tháng Bảy phải chi trả cao hơn nhiều so với số tiền thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Như vậy TAND quận Tân Bình đã tước đoạt quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong vụ án. Điều này đã vi phạm tố tụng và làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công ty Sao Tháng Bẩy, như: Tiền lãi quá hạn, tiền án phí... – ông CHO JANE HEE trình bày.
Theo đại diện Công ty Sao Tháng Bảy, quy định của pháp luật về ngoại hối, các bên không được thực hiện giao dịch, thanh toán, niêm yết bằng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, việc hai Bên thỏa thuận giá bằng đô la Mỹ trong Hợp đồng thi công số 01/HĐTC.2008 là trái với quy định nêu trên. Vì vậy, điều khoản về giá của hợp đồng thi công số 01/HĐTC không phát sinh hiệu lực.
Do đó, phải quy đổi số tiền còn nợ ra tiền đồng Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm ký kết hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tỷ giá tại thời điểm hiện nay là trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của Công ty Sao Tháng Bảy.
Trong thực tế do lãi suất cơ bản liên tục thay đổi từ năm 2009 đến nay, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng lãi suất cơ bản hiện tại để tính lãi quá hạn từ năm 2009 là không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quan điểm của Công ty Sao Tháng Bảy , Tòa án sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng và áp dụng chưa đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty.
Việc hòa giải thành rồi nhưng vẫn bị xét xử là đúng hay sai, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng về vấn đề này: Thưa ông, pháp luật quy định như thế nào về mục đích của việc hòa giải trong tố tụng? Hòa giải vừa là nguyên tắc và là thủ tục tố tụng quan trọng trong đối với việc giải quyết các tranh chấp dân sự. Bộ luật tố tụng dân sự quy định, trừ các trường hợp pháp luật không cho phép hòa giải thì các tranh chấp dân sự đều phải thực hiện việc hòa giải tại tòa án để các đương sự có cơ hội giải quyết tranh chấp mà không phải qua xét xử. Qua đó, giảm được thiệt hại cho đương sự cũng như giảm được thời gian tiến hành tố tụng. Khi hai bên hòa giải không thành hoặc không thể hòa giải được thì Tòa án mới đưa vụ án ra xét xử. Nếu đã hòa giải thành thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Khi đương sự đã hòa giải được thì có phải mở phiên tòa để xem xét yêu cầu của đương sự nữa không, thưa ông? Nếu các đương sự đã hòa giải với nhau được tất cả các yêu cầu khởi kiện thì Tòa công nhận sự thỏa thuận của đương sự và không yêu cầu giải quyết nữa thì tòa án đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp chỉ hòa giải được một trong số các yêu cầu thì vẫn phải mở phiên tòa để xem xét yêu cầu còn lại của đương sự. Việc mở phiên tòa chỉ để giải quyết nội dung chưa thỏa thuận được. Trong vụ án có nhiều đương sự mà chỉ một số đương sự hòa giải được thì tòa án vẫn mở phiên tòa để xem xét các yêu cầu của đương sự không hòa giải được. Trường hợp mở phiên tòa và xem xét các nội dung mà đương sự đã hòa giải rồi tuyên ngược với nội dung mà các bên đã thỏa thuận trong buổi hòa giải là không đúng. Xin cảm ơn ông! Bình Minh (thực hiện) |
Tố Nhi