Huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng chống thiên tai
Ngày 04/4/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác phòng, chống bão, lũ đối với bão số 3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành thông báo số 2318-TB/VP kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng, chống, khắc phục thiệt hại cơn bão số 3 trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình rút ra được một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão số 3 năm 2024. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình |
Tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, chống bão, lũ, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; kịp thời phân công cụ thể, rõ người, rõ việc với tinh thần khẩn trương, cương quyết, quyết liệt, đặc biệt là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo địa bàn được phân công theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo hiện trường;
Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, Thành ủy thường xuyên trực ứng phó cơn bão số 3, trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ và các đồng chí Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các Ban, sở, ngành chủ động nắm bắt tình hình phòng, chống, ứng phó tại địa bàn các xã, phường, thị trấn được phân công theo dõi, kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ cho cấp có thẩm quyền.
Theo sát diễn biến, tình hình bão, lũ trên địa bàn tỉnh để đề ra các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Kịp thời thông tin diễn biến bão số 3 và tình hình mưa, lũ trên địa bàn tỉnh đến chính quyền các xã, phường, thị trấn, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin sai lệch về tình hình bão, lũ trên địa bàn tỉnh. Phát huy phương châm “toàn dân - toàn diện” và “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống bão, lũ.
Không chủ quan, lơ là trong công tác khắc phục hậu quả bão
Nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, các địa phương huy động lực lượng xung kích tại cơ sở với gần 8.900 thành viên tham gia ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa… Đồng thời, trực 24/24 giờ tại 151/151 xã, phường, thị trấn. Các lực lượng công an, quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tập trung cao độ khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau: Không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác phòng, chống mưa lũ sau bão và khắc phục hậu quả bão số 3.
Tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực, khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các vị trí phát sinh để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Quản lý chặt chẽ người dân tại các điểm ở tạm; nghiêm cấm người dân quay về nhà khi chưa đảm bảo an toàn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo địa bàn được phân công phụ trách, tiếp tục nắm tình hình, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt; đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn.
Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội để tạo cơ sở pháp lý trong việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Lực lượng chức năng phối hợp với người dân khắc phục hậu quả sau mưa lớn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa |
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực phòng, chống bão, lũ và tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão, lũ nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, động viên các gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các địa bàn tỉnh bạn bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các ảnh hưởng của thiên tai liên quan đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của người dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng ảnh hưởng để đề xuất, tham mưu công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.
Nghiên cứu xây dựng Đề án di dời dân cư ra khỏi các điểm nguy cơ sạt lở và xây dựng khu tái định cư; ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng các Khu tái định cư ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách; thực hiện bố trí kinh phí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để tổ chức triển khai thực hiện các Khu tái định cư ổn định dân cư vùng thiên tai tiềm ẩn nguy cơ cao.
Nghiên cứu quy định về cải tạo chỗ ở, san gạt đất cho người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng chưa thực hiện di dời về các khu tái định cư. Rà soát, xây dựng Bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phương án nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng, chống bão, lũ.
Nghiên cứu đầu tư các cầu đi bộ gần các tràn, ngầm trên các tuyến đường giao thông huyết mạnh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong mùa mưa, lũ. Nghiên cứu, thiết kế mô hình nhà ở cho người dân và trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trường học... tại địa điểm đồi, núi, có nguy cơ sạt, trượt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống bão, lũ. Khẩn trương thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các điểm có nguy cơ sạt lở: Đồi Lủ Thao, xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn; xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn và xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.
Nghiên cứu cải tạo, mở rộng Kênh tiêu 20 và đầu tư máy phát điện để đáp ứng nguồn điện cho hệ thống máy bơm nhằm phục vụ thoát nước cho thành phố Hòa Bình trong trường hợp xảy ra sự cố mất điện.