Hoa ban trong gió

Hoa ban trong gió
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -

Mặt trăng treo veo lờ mờ, lơ lửng trên những dãy núi điệp trùng, tôi nhìn ánh nắng đỏ đang phai dần theo cơn gió. Bàn tay chạm vào một cánh hoa ban trắng đang chao liệng, chúng vỡ tan như hàng ngàn mảnh gương của ký ức. Tôi bật cười, hóa ra đó là giấc mộng tuổi trẻ, là những ảo ảnh đẹp đẽ, thuần khiết như cánh hoa trắng trong chiều tà. Chúng mong manh như bong bóng, mảnh dẻ như thủy tinh, vậy mà ta đã từng nghĩ nó cứng cáp, cao lớn như dãy núi ngoài kia. Cho đến khi giấc mộng ấy chạm vào thực tại, vụn vỡ, tan tác tựa như hạt bụi đang lờ mờ bay theo bóng tà dương dần tắt….

Đêm đã đổ bóng từ lúc nào, hơi lạnh trên những triền núi Tây Bắc thấm đẫm qua lớp áo phao dầy cộp của tôi. Những ngôi nhà bắt đầu le lói những ánh đèn, lập lòe trong màn đêm mịt mù của tháng hai âm lịch. “Chắc hôm nay không thể về được đâu”. Hoa nói, ánh sáng từ chiếc đèn pin của tôi rọi lên khuôn mặt cô gái người Thái.

Tôi gật đầu với Hoa, thầm nghĩ: “Phải! Hôm nay làm sao mà về nổi, khi phanh xe máy của tôi đã hỏng, mà kể cả không hỏng, tôi cũng chẳng dám lao xuống những dốc núi Tây Bắc trong đêm tối thế này”. Đặc biệt, khi ta được ngồi bên đống lửa nhỏ ấm áp, uống cốc trà nóng ở giữa khung cảnh yên bình, thì chẳng còn dũng khí để phi xe trên con đường đất lởm chởm đá cục.

Bản làng đang chuẩn bị lễ Xên Mường, nghe nói đây là một lễ hội quan trọng, ba năm mới được tổ chức một lần, người trong Mường và từng bản làng đang rục rịch chuẩn bị, nào gạo, nào thịt,... “Người dưới xuôi gọi đó là lễ hội hoa Ban”. Hoa nói với điều đó tôi. Cô bé có vẻ thích tiếng Kinh, nên thường chủ động nói chuyện nhiều với tôi.

“Vào trong nhà, đỡ rét”. Cha của Hoa – ông Cua ngậm tẩu thuốc, khuôn mặt nhăn nheo, mỉm cười nói với tôi. Sau đó ông lừ lừ nhìn Hoa, quát cô bé bằng thứ tiếng tôi không hiểu.

“Không sao, cháu ngồi ngoài một lát”. Tôi đáp lại, không muốn để ý đến ông Cua nữa.

Nhắm hờ mắt nhìn những vì sao đang lấp lánh đính trên màn nhung đêm huyền diệu, thở hắt ra một hơi, tôi chuyển ánh nhìn sang cây hoa ban trước mặt, đối diện ngôi nhà, cây đang độ trổ bông, hoa nở trắng phau như hàng ngàn cánh bướm dập dìu bay xuống khi có gió thổi qua.

Hoa lại bước ra khỏi nhà, cười tươi rói với tôi, chắc đang tính ngồi trò chuyện. Cô bé mười sáu tuổi, mang nét đẹp của người con gái dân tộc Thái, da cô trắng muốt, hàng mày đen thanh mảnh in đậm lên làn da như được ai dùng mực Tàu vẽ nên. Đôi mắt của Hoa đẹp, đen, sáng long lanh, hơi xếch lên ở đuôi mắt. Khi cô bé ngại ngùng xấu hổ, đôi mắt cụp xuống, nhường chỗ cho rèm mi phủ lên trông u buồn đến kỳ lạ.

Cô bé ngồi cạnh tôi, hỏi tôi có muốn ở lại đây vài ngày cho đến lễ hội Xên Mường không? Tôi từ chối, vì sớm phải quay trở lại trường học, tôi không muốn vắng mặt trong tuần đầu tiên sau tết. Hoa cụp mắt xuống, cô bé nói. “Được học đại học thật thích”. Tôi thuận miệng đáp lại. “Rồi Hoa cũng sẽ học đại học”.

Cô không trả lời tôi, ánh mắt nhìn xa xăm về phía trước, nơi những dãy núi trùng điệp khuất hẳn sau màn đêm mù mịt. Hơi lạnh bỗng chốc vờn vít xung quanh chúng tôi, tiếng màn đêm yên bình mà trống vắng. “Bố mẹ muốn Hoa lấy chồng, để có thêm con rể phụ giúp gia đình”. Hoa đáp, giọng líu ríu.

Người Thái so với trước đã bỏ nhiều hủ tục, nhưng có lẽ do Hoa sống trên triền núi, cách xa vùng bình nguyên, nên bản làng vẫn còn giữ nhiều phong tục lạc hậu. Như ngày xưa, con gái người Mông, người Thái,… thường lấy chồng sớm, độ tuổi đẹp của họ chỉ tầm 15 – 16 tuổi, đến 22 thì đã bị coi là “quá lứa, lỡ thì”. Tôi an ủi em. “Biết đâu bố mẹ sẽ thay đổi, Hoa xinh đẹp, tốt bụng như vậy, không học thì phí lắm”.

Cô bé lắc đầu thở dài. Chị cả của Hoa lấy chồng khi mới mười bảy tuổi, họ không đăng kí kết hôn, chỉ về ở với nhau đến năm mười tám mới sinh con. Làm như vậy, cả hai gia đình đều không bị phạt vì tảo hôn. Cô bé vân vê tay áo phao, nói. “Nhà nghèo, lại không có tiền, bố mẹ Hoa cương quyết lắm!”. Gia đình em đã chuẩn bị sẵn vài mối, chẳng người nào em ưng, người thì mới học xong cấp II đã bỏ học làm công nhân, người thì đi làm dưới xuôi cả năm về vài lần,…

“Hoa có thích ai không?”. Tôi đổi chủ đề, năm mới, tôi không muốn em buồn. Qua ánh đèn hắt ra từ ngôi nhà, tôi thấy hai má Hoa phiếm hồng, giống như ráng chiều quệt lên cánh hoa ban trắng. Phút chốc, tôi thấy tiếc cho cô gái nhỏ sẽ phải chôn vùi cả tuổi xuân bên người đàn ông mà cô chẳng hề yêu mến.

Hoa gật đầu. Em nói, mình rất cảm mến thầy giáo Linh, thầy là người miền xuôi lên đây dạy học. Cũng chính là người đã giúp tôi đưa xe vào bản và giới thiệu tôi nghỉ tạm ở nhà Hoa. Em kể. “Thầy còn trẻ, là người rất dịu dàng, không bao giờ mắng mỏ ai cả. Thầy hay đọc thơ, dạy viết văn cho bọn học sinh như Hoa”. Sau đó, Hoa tự hào nói về ngày đầu tiên thầy đến bản làng, đeo balo, dáng người nhanh nhẹn, vừa tới đã được mọi người chào đón. Đôi mắt thầy khi ấy sáng rực, nụ cười rạng rỡ trên môi, khiến Hoa bẽn lẽn nấp sau lưng chị gái cũng cảm thấy yêu mến con người này. Cô gái nhỏ bỗng thở dài, nói: “Dạo gần đây, thầy có vẻ khác so với trước kia”. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh người giáo viên ấy, là chàng trai tầm hai sáu, hai bảy, dáng người thanh mảnh, dong dỏng, có giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng, hóa ra anh ta là thầy giáo dạy văn.

Tôi trêu Hoa. “Thích, sao Hoa không tỏ tình”. Cô gái bẽn lẽn cười, em nói rằng mình ngại, chỉ cần được học trong lớp của thầy, nghe thầy giảng bài là cô bé đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Hoa cùng các bạn thường hay đến nhà thầy, biếu măng ngọt, hoa quả, đồ ăn nhà làm. “Thầy ở gần trường, trong nhà đơn sơ lắm, toàn sách. Hoa hay mượn mấy quyển truyện của thầy về đọc, Hoa thích quyển “Không gia đình”, “Những người khốn khổ” và truyện cổ tích lắm”. Hoa nói.

Bỗng dưng, đôi mắt Hoa sáng lên, em thì thầm với tôi. “Hoa đã mời thầy giáo tham dự lễ Xên Mường, hôm đấy, các chàng trai sẽ trèo lên cây hái hoa ban, nếu thầy thả hoa vào cái ớp của Hoa, thì có lẽ thầy cũng thích Hoa”. Rồi, em xụi lơ nói. “Thầy giáo dạy phải tôn trọng người thầy, Hoa không cần thầy Linh tặng hoa ban, chỉ cần có một chàng trai nào giống thầy cũng được”.

Tôi bật cười trước dáng vẻ trẻ con của Hoa, trêu ghẹo em mấy câu. “Giống thầy Linh là như thế nào?”. Cô bé mỉm cười, đôi mắt cong cong như vầng trăng lưỡi liềm, đáp. “Có thật nhiều sách cho Hoa mượn, nói cho Hoa biết về thế giới bên ngoài, không bao giờ mắng hay quát mọi người. Nếu được, có thể cho Hoa học đại học”.

Tôi bỗng nhiên thấy thương cô bé trước mắt, hóa ra, tình yêu của cô đơn giản vậy. Chỉ cần không bị mắng, được đi học, nghe những lời ấm áp, dịu dàng là đã đủ để đôi má đỏ lựng khi nhớ về. Tôi và Hoa rơi vào im lặng, cả hai ngắm nhìn bầu trời phía trước. Ánh trăng lưỡi liềm đìu hiu trên khoảng không bao la, tôi đang nghĩ đến đường về nhà vào ngày mai, khi phanh xe được sửa xong. Còn Hoa, em đang nghĩ về cái gì? Về cuộc sống sẽ giống như vài cô gái trẻ tay địu con, tay làm lụng? Về người đàn ông quát em giống như ông Cua?

Có lẽ, người Hoa thích chẳng phải thầy Linh, chỉ đơn giản, em mơ ước được bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia, thỏa mãn trí tò mò khám phá vốn là bản năng của con người. Cũng có thể, em hy vọng có một cuộc sống tốt hơn, tìm được người đàn ông sãn sàng trân trọng em, yêu thương em, thay vì những lời cục cằn, thô lỗ khiến em cảm thấy mình nhỏ bé, sợ sệt. Tất cả điều đó được Hoa gửi gắm vào thầy Linh – một người đến từ thế giới khác, một người cho em cảm giác đối lập với cha của mình.

Tôi thở dài ra một hơi, nhớ về buổi chiều nay, khi dắt xe đi cùng thầy Linh. Đã nghe được lời tâm sự của anh. “Mai tớ sẽ nhờ người sửa phanh xe của bạn. Đường đi xuống, tớ sẽ đèo bạn cho, đang là ngày nghỉ, nên cũng rảnh”. Tôi sợ làm phiền nên từ chối, Linh khoát tay đáp. “Không phiền, đằng nào tớ cũng phải xuống chuẩn bị một số thủ tục để về xuôi”.

Tôi gật đầu đáp. “Thế bạn là giáo viên, hết đợt công tác à?”. Anh gật đầu, rồi lại lắc, trả lời. “Bố mẹ gọi về, cuộc sống trên đây cũng lâu quá rồi. Đợt này về, chắc là tiếp quản công việc kinh doanh để bố mẹ an tâm dưỡng già”. Tôi không nói gì, chỉ ậm ừ cho qua.

Sau khi nghe những lời Hoa kể, tôi đoán, có lẽ thầy giáo Linh cũng từng là một thanh niên trẻ mang nhiều nhiệt huyết, ước vọng. Phải chăng anh đã mơ ước được đến một thế giới mới, cũng giống những du khách đi qua vùng đất Tây Bắc trước đây? Họ chỉ thấy vẻ đẹp của triền núi xa xăm, của bông hoa ban trắng tinh nở rộ trong sương sớm mà quên mất một thực tế khắc nghiệt chờ mình phía trước. Những đêm dài cô đơn với cuốn sách của mình, với những hy vọng, giấc mơ chẳng ai có thể chia sẻ. Chờ đợi anh mỗi ngày chỉ là những bản làng mù sương, con dốc lởm chởm đất đá…

Bất giác, tôi nhìn Hoa, cô bé mơ màng hướng ánh mắt về phía nào đó. Có lẽ cô nhìn về đâu? Có thể là phía trường học, cũng có thể là cây ban đang rụng lả tả những cánh hoa trắng. Cô bé có biết chưa? Thầy Linh mà cô đặt vào những hy vọng, giấc mơ đang chuẩn bị cất bước rời xa núi rừng nơi đây. Lễ hội hoa Ban này, có khi là lần cuối những giấc mơ của Hoa còn được bay lên theo tiếng khèn, tiếng pí, những điệu múa xòe, múa khăn. Liệu rằng, cái ớp của cô có chứa những nhành hoa của tỉnh yêu không?

“Ngủ thôi, muộn rồi”. Tôi nói với Hoa. Cả hai chúng tôi chuẩn bị đi vào ngôi nhà. Phía ngoài sân, tiếng chó sủa nhẹ, tôi quay đầu lại thấy con chó cái với màu lông loang lổ cùng những chiếc vú lõng thõng đang dùng mũi hít hít, ngửi ngửi mấy cục đá ven đường. Có lẽ, giấc mơ không sai, chỉ là chúng lại được gửi gắm vào những thứ quá đẹp, quá mong manh như cánh hoa ban kia, thay vì mặt đất xù xì vững chắc. Thở dài, tôi nhìn cây ban như lời chào từ biệt, vài cánh hoa rụng xuống mặt đất trần trụi trong cơn gió giao mùa.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Về một cuộc chia ly diễm lệ

Trong những giây phút ngắn ngủi, Marina đã vươn người lên và nắm chặt lấy tay của Ulay. (Ảnh: TL)
(PLVN) - Hành trình 2500km để chia ly giữa Vạn lý trường thành, và cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau 22 năm, câu chuyện tình của 2 người nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã khiến hàng triệu trái tim rung cảm.

Nhớ về Litang

Nhớ về Litang
(PLVN) - Nhân dịp em Huyền gửi cho chiếc video tôi quay chọc em trong chuyến đi năm ngoái, ngồi nhớ về Litang.

Người dưng

Người dưng
(PLVN) - Chúng tôi sinh đôi nhưng dường như giữa hai đứa có sự khác biệt rất lớn về tính cách. Nếu tôi là một người có phần nóng tính và kiệm lời thì em tôi lại là người thân thiện và lương thiện.

Tạm biệt tháng 3...

Tạm biệt tháng 3...

Giờ thì tao thoải mái khóc rồi, mày cũng hết đau đớn rồi. Tạm biệt nhé tháng 3... Tạm biệt một người bạn thân, tạm biệt Hà Sơn Bình - một nhà báo với nụ cười hiền tỏa nắng...

Dưới bóng xanh có đôi mắt đẹp

Điệu múa uyển chuyển trong trang phục của phụ nữ dân tộc Mường. (Ảnh: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam)
(PLVN) - Ngẩn ngơ dưới cây tếch đầu bản, Lương như người bị bắt mất hồn. Chân anh chạm vào những vụn li ti trắng như sữa của hoa tếch. Hương đào núi đã phảng phất trong gió. Hoa đào không biết lòng Lương đang bồn chồn đợi chờ. Anh giật mình khi nghe tiếng bà Tơi gọi.

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."
(PLVN) - Bình không còn ở lại căn phòng đó nữa, không còn ở lại với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp và những dự định dang dở nữa. Cây vạn niên thanh vẫn tốt tươi, nhưng một chiếc lá xanh tên là Hà Sơn Bình vừa rơi xuống…

Hạnh phúc là đi trên mặt đất

Thế hệ ngày nay luôn miệt mài tìm câu trả lời cho câu hỏi về hạnh phúc. (Nguồn ảnh: Youtube)
(PLVN) - Hạnh phúc là gì? Hàng triệu con người trên trái đất này, ngày đêm vẫn luôn đặt ra cho mình, cho nhau câu hỏi ấy. Nhưng làm gì có một khái niệm cụ thể, bất biến, chính xác cho hạnh phúc bây giờ? Mỗi một người mưu cầu khác nhau và giá trị của hạnh phúc đối với họ cũng khác nhau. Ở mỗi một thời đại, tiêu chuẩn sống thay đổi, giá trị hạnh phúc cũng đổi thay theo.

Điều anh không nói

Điều anh không nói
(PLVN) - Cô đốt một điếu thuốc rồi rít một hơi thật sâu, tiếng rít làm cho màn đêm yên tĩnh bỗng như bị xé toạc bởi thanh âm nặng nề của khói thuốc.

Nghe radio với ba

Nghe radio với ba
(PLVN) - Bữa Tết rồi tôi chở ba tôi đi chơi. Ba nói mở Ngọc Tân nghe hát đi. Tôi mở lại cho ba bài “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh. Ông nghe say sưa và kết luận: “Ca sĩ chả có ai hát hay hơn Ngọc Tân”.

Gió về ngang căn bếp

Gió về ngang căn bếp
(PLVN) - Liên và Dũng là đôi bạn từ nhỏ, họ yêu nhau bình lặng, về chung một nhà, không ồn ào, biến cố, không trắc trở cấm ngăn.

Khai mạc Triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng”

Khuôn viên nơi tổ chức triển lãm.
(PLVN) - Ngày 15/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024).

'Sống' - liên kết sợi dây cội nguồn

Cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
(PLVN) - “Sống” là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những kí ức li kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu. Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ.

Người đến sau

Tranh minh họa.
(PLVN) - Gió đêm rít từng cơn, dẫu nghe dịu nhẹ nhưng cũng đủ làm lạnh lẽo những hình nhân đang khẽ đắm chìm trong cô tịch.

“Mẹ yêu con”

”Trên lưng mẹ” - bức ảnh của tác giả Lê Bích chụp năm 2005. (Nguồn ảnh: BTC)
(PLVN) - Tình mẫu tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận, được nhiều nghệ sĩ thể hiện đa dạng qua nhiều hình thức. Trong đó, nhiếp ảnh cũng là một ngôn ngữ đặc biệt.

Dưỡng thần

Dưỡng thần
(PLVN) - Không gian ấy bình lặng mà tươi thắm, hoa đua nhau nở. Hoa vẫy mời chim chóc về ríu rít. Hoa gọi nhành nắng xuân. Tất cả do bàn tay ông Đức làm ra. Khi ông đang chăm sóc chậu mai chiếu thủy thì tiêng ông Hiệp vọng vào. Cổng chỉ khép. Ông Hiệp khoái trí cười với sắc hoa đón chào.

Điều đẹp đẽ chỉ ngắn ngủi vậy thôi

Ảnh minh họa: Internet
(PLVN) - Ngày Tết chúng ta nói chuyện vui, đoàn viên, hội ngộ, nhưng ngày Tết cũng có những khoảng lặng ngầm ngùi, sâu lặng, để thao thức về ngày đã qua và tương lai. Nghe radio những ngày này thấy toàn mở nhạc xuân vui tươi, hoan ca… đơn giản vì người Việt hay nói: Vui như Tết! Nhưng thực sự ngày Tết có phải là ngày vui vẻ hay là ngày tiễn đưa của thời gian và lòng người nặng trĩu suy tư?