Băn khoăn điều kiện được hỗ trợ
Ngày 26/7/2021, Tổng cục Du lịch đã ban hành Công văn số 979/TCDL-LH gửi sở quản lý du lịch các địa phương về việc hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên (HDV) du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo văn bản hướng dẫn, đối tượng được hỗ trợ: HDV du lịch quốc tế, HDV du lịch nội địa, HDV du lịch tại điểm có thẻ HDV du lịch còn thời hạn sử dụng tại thời điểm nộp hồ sơ, không phân biệt vị trí, chức vụ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý khu du lịch, điểm du lịch, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khác quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ tại địa phương năm 2021.
Hiện nay, cả điều kiện có hợp đồng lao động và điều kiện có thẻ hội viên tổ chức xã hội nghề nghiệp về du lịch, đang là rào cản đối với nhiều HDV du lịch khi tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ. Riêng điều kiện thẻ hội viên, chỉ 24% trong tổng số HDV du lịch hiện nay có thể đáp ứng được. Với 2 vướng mắc về vấn đề này, Tổng cục Du lịch đã đưa ra hướng dẫn mới. Cụ thể, đối với hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch phải được lập thành văn bản, có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến thời điểm nộp hồ sơ và thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Danh sách doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được công bố trên trang web: http://quanlyluhanh.vn. Hiện cả nước mới có 36 tỉnh/thành phố cập nhật danh sách doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Vì vậy, Tổng cục Du lịch đề nghị các sở quản lý du lịch của 27 tỉnh/thành phố còn lại cập nhật danh sách doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa trước ngày 6/8/2021 trên trang web quanlyluhanh.vn của Tổng cục Du lịch.
Đối với thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, thẻ này cần phải có thời hạn đến thời điểm HDV nộp hồ sơ. Với HDV mà thẻ đã hết hạn thì có thể xin gia hạn bình thường.
Khó xác định hướng dẫn viên “đang làm gì, đang ở đâu”
Trước đó, trên các diễn đàn, nhiều HDV du lịch cho rằng rất khó để nhận được khoản hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ của Chính phủ. Theo phép tính của một HDV du lịch, với khoản hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người, nếu tất cả HDV đều được nhận thì con số này chỉ bằng 0,5% của gói 26.000 tỷ. Trong khi đó, nếu đi kèm với 2 điều kiện HDV du lịch buộc phải có hợp đồng và có thẻ hiệp hội thì sẽ rất ít người có thể đáp ứng được. Ông Trương Anh Thương, một HDV tự do cho biết: “Có cần thiết yêu cầu HDV phải có hợp đồng hay thẻ hiệp hội không? Nếu đủ điều kiện theo Quyết định 23 của Chính phủ, nhiều nhất cũng chỉ 20% HDV đạt, tương đương 0,1% gói hỗ trợ”.
Nhiều địa phương cũng tỏ ra lúng túng về cách hiểu các điều kiện để HDV được nhận số tiền 3,71 triệu đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ và đã có văn bản đề nghị Tổng cục Du lịch giải đáp.
Trả lời báo chí, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Cái khó ở đây là làm sao chúng ta xác định được hiện nay HDV đang làm gì, đang ở đâu; và họ có thể khẳng định rằng sự việc trợ cấp này, dù rất nhỏ bé, nhưng phù hợp. Cho nên, cần thông qua các hiệp hội, các doanh nghiệp để khẳng định là các lao động đó được hỗ trợ đúng chỗ, đúng người, để chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục được du lịch khi có điều kiện”.
Nhiều HDV du lịch tự do có phần khó khăn hơn trong thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ nhưng vẫn bày tỏ lạc quan: “Bản thân là HDV tự do tiếng Trung, có vốn ngoại ngữ nên có thể chuyển đổi ngành nghề và có thu nhập ổn hơn HDV nội địa. Tôi có thể không nhận tiền từ gói hỗ trợ, hoặc nếu có, cũng sẽ trích một phần ủng hộ quỹ vắc xin của Chính phủ”, một HDV tự do ở TP HCM chia sẻ.
Nhiều HDV du lịch khác lại tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở các địa phương. Anh Bùi Thanh Tùng là HDV du lịch Vietravel 190 Pasteur, quận 3, TP HCM. Anh Tùng và nhiều HDV tại đây vẫn phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh, thất nghiệp do dịch Covid-19, anh nghỉ việc từ tháng 3/2020. Anh Tùng đã xin trở thành thành viên của Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên TP HCM. Vốn là HDV du lịch lại có chút khiếu nấu ăn, anh Tùng đã hỗ trợ nấu hàng nghìn suất ăn hỗ trợ khu cách ly. Với vai trò là “bếp chính” và cùng hơn 30 tình nguyện viên khác tham gia hỗ trợ, mỗi ngày họ nấu được khoảng 5.000 suất ăn, bình quân mỗi người nấu hơn 1.600 suất/ngày.