Thực hiện chỉ đạo giảm giá các dịch vụ như điện, nước, viễn thông… cho khách hàng nhằm hỗ trợ khó khăn trong mùa dịch COVID-19 của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN) cung ứng dịch vụ đã nhanh chóng công bố các gói hỗ trợ khẩn cấp, trong đó, thực hiện việc giảm giá, giảm trừ tiền nhanh nhất phải kể đến gói giảm giá, giảm tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Tính đến làn sóng dịch thứ 4, người dân, DN và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các bệnh viện, cơ sở y tế đã được hỗ trợ tiền điện đến 4 lần. Dự kiến, số tiền điện mà EVN sẽ giảm cho khách hàng trong đợt thứ 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Lũy kế, tổng số tiền cả 4 đợt EVN giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong 2 năm 2020 và 2021 vào khoảng 16.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tất cả các đợt giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng, EVN đã gần như ngay lập tức thực hiện ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Cụ thể, nếu đợt 1, Nghị quyết Chính phủ ra vào tháng 4/2020, ngay lập tức EVN chỉ đạo triển khai để thực hiện giảm giá điện cho khách hàng vào kỳ hóa đơn các tháng 5-6-7. Tương tự với các đợt giảm giá 2, 3 và đợt 4 mới đây nhất (quyết định vừa ban hành khoảng cuối tháng 7 thì đầu tháng 8, tất cả các đối tượng trong diện được giảm tiền điện đã được thụ hưởng ngay).
Cũng quan điểm cần những hỗ trợ thiết thực nhất trong mùa dịch, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, PV Oil đã quyết định cung ứng xăng dầu miễn phí cho các xe cấp cứu và xe chở hàng thiết yếu (dự tính mỗi ngày khoảng 900 lít) ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cùng với đó là các xe chở hàng thiết yếu của các nhóm thiện nguyện. PV Oil đã chuẩn bị ngân sách khoảng vài trăm triệu cho chiến dịch này.
Ông Dương cũng cho biết, cách đây khoảng 2 tuần, khi hình ảnh các đoàn xe máy hồi hương liên tục được thông tin trên mạng xã hội, Ban lãnh đạo PV Oil đã họp bàn và đi đến quyết định sẽ cung cấp xăng miễn phí cho bà con thông qua các cửa hàng xăng dầu của PV Oil mà bà con đi qua trên đường hồi hương. Quyết định được đưa ra kèm với các phương án giãn cách, huy động nhân lực là đoàn thanh niên các địa bàn thực hiện cùng để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.
Tuy nhiên, khi vừa đưa ra quyết định được vài tiếng thì Chính phủ có chỉ đạo phòng chống dịch yêu cầu “ai ở đâu ở nguyên đấy” nên PV Oil đã phải rút lại quyết định.
Bên cạnh các gói hỗ trợ giảm giá được đánh giá cao như trên thì gói hỗ trợ trong lĩnh vực viễn thông được cho là chưa thực sự hiệu quả. Hồi đầu tháng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các DN viễn thông xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ.
Ngay sau đó, các DN viễn thông đã công bố gói hỗ trợ, khuyến mại lên tới 10.000 tỷ đồng, trong 3 tháng. Các hình thức hỗ trợ như duy trì tăng gấp đôi băng thông với giá không đổi. Đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg thì khách hàng được 50 phút gọi nội mạng với mục đích giúp người dân giữ liên lạc với người thân hàng ngày.
Riêng SCTV công bố giảm 25% cho dịch vụ Internet cáp quang. Các nhà mạng lớn cũng công bố giảm giá tới 50% nhưng chỉ giảm đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể: gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng; gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng.
Nói về gói hỗ trợ này, Giám đốc một DN lớn chia sẻ: “Các gói hỗ trợ viễn thông thực chất chỉ là kiểu khuyến mại, tặng thêm mà không phải là giảm giá. Theo tôi, các DN viễn thông cần triển khai hỗ trợ như ngành điện đã làm. Cứ 10%/hóa đơn mà giảm trừ cho khách hàng là thiết thực nhất và người sử dụng ai cũng thấy mình được hỗ trợ”, vị doanh nhân này nói.