Theo chủ chương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, từ năm 2022 đến năm 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Công Thương tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu để người tiêu dùng biết đến.
Kể từ đầu năm tới nay, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ, kết nối tạo điều kiện cho khoảng trên 550 lượt DN, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia trực tiếp hoặc gửi hàng hóa tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh/thành phố trong cả nước. Theo đó, hàng trăm hợp đồng bao tiêu, phân phối tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trong cả nước.
Đơn cử, tại Hội chợ triển lãm công thương - OCOP Thái Nguyên 2023, đã có 190 gian hàng tham gia, kết nối với 23 tỉnh, thành phố, gần 200 tổ chức trong và ngoài tỉnh. Sự kiện đã thu hút gần 50 nghìn lượt khách đến tham quan mua sắm tổng doanh số bán hàng lên đến 10 tỷ đồng; ký kết hơn 50 hợp đồng làm đại lý, phân phối tiêu thụ sản phẩm với tổng giá trị khoảng 30 tỷ đồng.
Bên cạnh xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử; website chè và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ thiết kế, in ấn, tem nhãn, bao bì sản phẩm; duy trì, phát triển các phần mềm bản đồ số cụm công nghiệp, làng nghề... cho DN, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, có trên 2.600 sản phẩm của hơn 240 đơn vị, trong đó có 173 sản phẩm OCOP, 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Postmart.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Alibaba.com...
Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong tháng 10/2023, Sở Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với UBND các huyện, thành phố để tổ chức 02 chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi” tại huyện Phú Bình, Phú Lương và 02 chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Đại Từ và thành phố Sông Công.
Tương tự, tại tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam” tỉnh Thái Bình đã tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, định hướng và tạo thói quen cho người dân có ý thức trong ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2023, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo kịp thời, đầy đủ biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý nhằm từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành đã tập trung triển khai rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ DN, HTX, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm, các hoạt động phối hợp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ DN quảng bá, phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường được đẩy mạnh. Điển hình, mới đây, Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với UBND huyện Hưng Hà tổ chức khai trương điểm bán hàng Việt tại siêu thị Phú Sơn, thị trấn Hưng Nhân. Đây là điểm bán hàng Việt Nam thứ 7 của tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng.
Bằng những biện pháp hỗ trợ linh hoạt, sáng tạo các địa phương đã có những kết quả nhất định trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân và cộng đồng DN trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.