“Đồng ý hỗ trợ cho 56 hộ dân tại khu vực 1, khóm 2, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn bị hỏa hoạn năm 2001. Giao UBND huyện Năm Căn thành lập Hội đồng để xác định cụ thể số tiền hỗ trợ cho từng hộ dân...” Đó là một trong những nội dung công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Tươi ký gửi Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện Năm Căn về về việc giải quyết đơn yêu cầu của 56 hộ dân nói trên.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đồng ý hỗ trợ cho 56 hộ dân bị hỏa hoạn vào năm 2001 với mức giá đất ở là 3,5 triệu đồng/m2 |
Theo đó, công văn nêu rõ: Sau khi xem xét nội dung báo cáo của Sở Tài nguyên – Môi trường, báo cáo của UBND huyện Năm Căn xin chủ trương giải quyết đơn yêu cầu, khiếu nại của 56 hộ dân; và công văn của Sở NN & PTNT về việc hỗ trợ chi phí.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đồng ý hỗ trợ cho 56 hộ dân bị hỏa hoạn vào năm 2001 với mức giá đất ở là 3,5 triệu đồng/m2 (hỗ trợ 100%); giao UBND huyện Năm Căn tổ chức làm việc với 56 hộ dân để thông báo về số tiền hỗ trợ và thời gian chi hỗ trợ cho các hộ khi dự án xây dựng Bờ kè tuyến Kênh Tắc được duyệt; nan hành quyết định giải quyết đơn yêu cầu của các hộ dân theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, giao UBND huyện Năm Căn cung cấp cho Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc hỗ trợ cho 56 hộ dân nêu trên, để đưa vào dự án xây dựng Bờ kè tuyến Kênh Tắc, thị trấn Năm Căn trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Ngày 27/10, đại diện 56 hộ dân tiếp tục có đơn gửi PLVN bày tỏ vui, buồn lẫn lộn. Đơn có đoạn viết: Nhận được quyết định hỗ trợ đất ở với giá 3,5 triệu đồng/m2, số bà con có diện tích đất từ 40 m2 trở lên đều rất vui, vì nhờ đó có tiền trả nợ nền nhà mà Nhà nước đã bán cho họ trước đây.
Tuy nhiên, số bà con ít đất thì vô cùng lo lắng (13 hộ diện tích chỉ còn 5 – 8 m2), họ mong muốn được quan tâm hỗ trợ thêm để có thể đủ trang trải nợ nần. Nguyện vọng chung của bà con là yêu cầu chính quyền xem xét thêm các khoản khác như: Hỗ trợ tiền ăn thất nghiệp giai đoạn đầu sau khi bị giải tỏa; Hỗ trợ suất tái định cư; Bồi thường thiệt hại 9 năm cho bà con – đây là khoản không thể thiếu đối với bà con. Các hộ dân lý giải, sau khi bị giải tỏa, 56 hộ dân chúng tôi phải lang thang, không nhà.
Trong khi nền nhà cũ của chúng tôi thì bị những người ở dãy trên bờ và Ban quản lý chợ trưng dụng cho thuê, mỗi tháng từ 1,5 – 3 triệu đồng/nền nhà (có phiếu thu của Ban quản lý chợ hẳn hoi). Cụ thể, hộ bà Trần Thị Hạnh phải đi thuê lại mặt bằng khác để làm ăn mất 4 triệu đồng/tháng suốt 7 năm nay...
Có thể nói, đây là vụ khiếu nại kéo dài PLVN đã phản ánh suốt gần chục năm qua. Một vụ cháy mà nguyên nhân vẫn là điều khó hiểu đối với 56 hộ dân có nhà bị cháy. Ấy vậy mà sau khi cháy, 56 hộ dân bị thu hồi nền đất cũ không một ai được bồi thường, hỗ trợ gì, dù được Nhà nước công nhận sở hữu nhà, đất.
Cũng cần nhắc lại rằng, trước khi toàn khu chợ Năm Căn bị cháy, ở huyện có quy hoạch một khu đất trống làm khu thương mại, bán giá niêm yết từ 800 đến 1,2 triệu đồng/m2. Cán bộ nhà đất huyện Ngọc Hiển nhiều lần tổ chức họp mời dân mua đất nhưng không ai đăng ký. Bất ngờ vài tháng sau đó, khoảng 2 giờ sáng ngày 25/7/2001, khu chợ Năm Căn bị cháy dữ dội, đúng vào lúc nước sông ở mức thấp nhất. Công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp khó khăn, dẫn đến 99 căn nhà bị thiêu rụi.
Gần chục năm trôi qua, chính quyền địa phương vẫn chưa có kết luận rõ ràng nguyên nhân vụ cháy, còn cơ quan chức năng địa phương cho rằng, nguyên nhân vụ cháy do chập điện. Ngọn lửa xuất phát từ nhà ông Trần Hoàng Chênh (vắng nhà), cửa bị khóa nên ngọn lửa không được phát hiện kịp thời. Sau ngày “định mệnh” ấy, hơn 56 hộ dân tại đây “trắng tay”.
Điều người dân khó hiểu là một ngày sau đó, UBND huyện Năm Căn có “lệnh” yêu cầu buộc 56 hộ dân ở dọc mé sông giải tỏa (không được bồi thường), không được xây dựng lại nhà trên nền cũ với lý do chính quyền sẽ xây dựng bờ kè dọc ven sông.
Đồng thời, kèm theo lời “mời” các hộ dân có nhà bị cháy mua nền đất tại khu thương mại để làm ăn, sinh sống. Đề nghị này không được người dân đồng tình, bởi họ không kiếm đâu ra tiền để mua, hơn nữa nơi làm ăn cũ đã thấm vào máu thịt bà con nơi đây. Dù thế, nhưng mọi người sau đó cũng phải bằng cách này, cách nọ để mua nền đất xây dựng nhà với giá cao hơn thị trường để sớm ổn định cuộc sống trong nợ nần…/.
Trần Phong