Sau khi Báo PLVN đăng tải thông tin về việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng là hộ nghèo (tại Quyết định (QĐ) 67/2010 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành), nhiều bạn đọc quan tâm và đề nghị Tòa soạn giới thiệu kỹ hơn về điều kiện các hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, cũng như phương thức và mức hỗ trợ cụ thể cho từng hộ gia đình.
Điều kiện nào được hỗ trợ về nhà ở?
So với QĐ 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành trước đây, QĐ 67/2010 đã mở rộng thêm đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở. Một trong các điều kiện để hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo quy định cũ (QĐ 167) là phải đang cư trú tại khu vực không phải là đô thị trên phạm vi cả nước.
Với quy định mới, người nghèo ở thành thị được hỗ trợ mua nhà (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, với quy định mới (QĐ 67), ngoài điều kiện trên, các hộ đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (gọi chung là thôn, bản) trực thuộc phường, thị trấn hoặc xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp, nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện khác thì cũng được hỗ trợ về nhà ở. Đáng lưu ý, việc mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở chỉ bắt đầu thực hiện từ ngày 25/12/2010.
Theo QĐ 167, ba điều kiện để hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở gồm: Là hộ nghèo đang cư trú tại địa phương, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý; Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; Hộ không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại QĐ 134/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và theo các chính sách hỗ trợ nhà ở khác.
Tuy nhiên, không phải hộ nghèo nào đáp ứng 3 điều kiện trên đều được hỗ trợ ngay mà phải xếp loại để hỗ trợ. Cụ thể, sẽ ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau đây: Hộ gia đình có công với cách mạng; Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…); Hộ gia đình đang sinh sống trong vùng đặc biệt khó khăn; Cuối cùng là các hộ gia đình còn lại.
Mức hỗ trợ bao nhiều ?
Nguyên tắc hỗ trợ là phải hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để xây dựng nhà ở theo đối tượng quy định; Bảo đảm công khai, công bằng và minh bạch đến từng hộ gia đình trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2; tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Ngân sách trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ dân thuộc diện đối tượng được hỗ trợ nhà ở đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn quy định tại QĐ 30/2007/QĐ-TTg thì ngân sách trung ương hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ. Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở.
UBND cấp xã giao Ban Giảm nghèo cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định của QĐ167 và vận động các hộ dân tự xây dựng nhà ở. Đối với hộ dân có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật…) không thể tự xây dựng nhà ở thì Ban Giảm nghèo cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng này.
Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, nếu các hộ dân có nhu cầu, sẽ được vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm nhà ở với mức tối đa 8 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ là 5 năm, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay. Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện phương thức uỷ thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay.
Với chính sách trên, sẽ có rất nhiều hộ gia đình nghèo được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, theo dự kiến, tổng số hộ được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại QĐ 167 là 500.000 hộ, do vậy nguồn vốn thực hiện là rất lớn...
Đối với các địa phương có rừng, có quy hoạch, kế hoạch khai thác gỗ hàng năm được duyệt thì UBND cấp tỉnh khai thác gỗ theo quy định để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Khối lượng gỗ cụ thể cho mỗi hộ làm nhà do UBND cấp tỉnh quyết định. Nghiêm cấm việc lợi dụng khai thác gỗ hỗ trợ làm nhà ở để chặt phá rừng sử dụng vào mục đích khác.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực có thể xảy ra, cơ sở thôn, bản tổ chức bình xét đối tượng và phân loại ưu tiên theo đúng quy định một cách công khai, minh bạch. Sau đó, UBND cấp xã tổng hợp danh sách số hộ được hỗ trợ, đồng thời lập danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn báo cáo UBND cấp huyện để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt./.
Vân Anh