Giá trị lịch sử
Issyk Kul trong tiếng Kyrgyzstan có nghĩa là hồ nước nóng, là một trong những hồ nằm ở vị trí cao nhất so với mực nước biển và có độ sâu lớn nhất trên thế giới. Hồ này nằm gọn trong khu vực thung lũng lớn ở giữa những dãy núi cao tại khu vực Trung Á.
Issyk Kul nổi tiếng trong các tài liệu lịch sử nhờ vị trí chiến lược quan trọng chạy dọc theo Con đường tơ lụa huyền thoại. Vô số thương nhân, đoàn lữ hành, các bộ lạc và những binh lính của quân đội của các nước đã đi dọc hồ nước có chiều dài gần 200km này, để lại khu vực đó một di sản khảo cổ vô cùng giá trị.
Ban đầu, hồ Issyk Kul thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu những thứ đang nằm lại dưới đáy hồ xanh biếc này. Theo các nhà nghiên cứu, cùng với quá trình kiến tạo của vỏ Trái Đất, mực nước ở hồ qua nhiều thế kỷ đã thay đổi đáng kể, nhấn chìm những khu tái định cư, các tòa nhà, cung điện và thậm chí cả những thành phố từng được xây dựng ở quanh hồ trước đó.
Theo một số người, vào những năm 1400, Hoàng đế Tamerlane đã chiến đấu với những hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn từ Đông Mông Cổ ở khu vực Issyk Kul và đã cho xây dựng ở đây một cung điện nguy nga, hoành tráng nhưng cung điện này đã bị chôn vùi sâu dưới đáy hồ.
Kênh National Geographic cho rằng, tòa nhà này nếu thực sự tồn tại sẽ có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn, vì nó sẽ là tài liệu chứng minh sự bành trướng của đế chế Tamerlane và tòa nhà nhiều khả năng sẽ được xây dựng theo kiến trúc của Timurid ở Samarkand hay Taj Mahal, đồng nghĩa với việc nó sẽ bổ sung đáng kể vào danh sách các công trình kiến trúc Hồi giáo hoành tráng trên thế giới.
Cho đến nay, lăng mộ Thành Cát Tư Hãn ở đâu vẫn đang là một bí ẩn. |
Do vậy, Issyk Kul là một trong những địa điểm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước đầu tiên ở khu vực Trung Á, khi các nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực này từ khoảng những năm 1860. Từ giữa thế kỷ 19, các nhà khoa học Nga và các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Kyrgyzstran cũng đã tiến hành nghiên cứu các di tích cổ đại được phát hiện ở khu vực quanh hồ Issyk Kul, bao gồm từ những bức tranh khắc đá và những gò chôn cất thành viên của các bộ lạc du mục 3.000 năm tuổi cho tới các tu viện Ki tô giáo và các thành phố được cho là có từ thời Trung Cổ.
Các nhà khoa học cho rằng, những di vật còn nằm lại dưới lòng hồ có giá trị rất lớn về khảo cổ học, có thể giúp họ làm rõ rất nhiều vấn đề như: các sự kiện lịch sử, phong tục tập quán của những bộ lạc từng sinh sống ở khu vực quanh hồ…
Hàng trăm kho báu?
Không chỉ nổi tiếng về giá trị khảo cổ, trang Kyrgyzstan Travel cho hay, theo các tài liệu lịch sử, ở khu vực hồ Issyk-Kul có thể có đến 200 kho báu, với đủ quy mô từ nhỏ đến lớn và đây chính là lý do mà trong thời gian qua đã thu hút rất nhiều nhóm thợ săn kho báu đến tìm kiếm, trong đó có cả Cục địa chất Kyrgyzstan. Dựa trên các tài liệu lịch sử cộng với các thông tin truyền miệng trong dân gian ở Kyrgyzstan, trang web trên đã đưa ra các thông tin về một số kho báu được cho là đang bị chôn vùi trong hồ Issyk-Kul.
Kho báu đáng chú ý nhất được cho là đang nằm dưới lòng hồ Issyk-Kul chính là lăng mộ và kho báu của Thành Cát Tư Hãn. Theo đó, trang web trên cho rằng, nhiều thế hệ các thợ săn kho báu từng ôm mộng tìm kho báu và lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn, tập trung tìm kiếm ở Trung Quốc và Mông Cổ.
Trước đây, một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế đã huy động những hệ thống tìm kiếm tân tiến gồm cả công nghệ không gian để đào xới ở các sa mạc Mông Cổ với mong muốn tìm được kho báu của nhân vật nổi tiếng này.
Tuy nhiên, theo nhiều sử gia và các nhà khảo cổ học Kyrgyzstan, những nhà khảo cổ này đã đi sai đường. Họ cho rằng, sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227, những người con trai của ông đã thực hiện nghi thức chôn cất giả cho ông ta ở Ordos, còn trên thực tế đã bí mật đưa thi thể cùng kho báu của ông tới chôn ở hồ Issyk-Kul.
Theo những người già ở Kyrgyzstan, sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, con trai của ông ta đã yêu cầu đóng một chiếc quan tài bằng gỗ chắc chắn và đặt thi thể của người quá cố cùng vô số vàng bạc, châu báu ở trong đó rồi đưa xuống sâu dưới đáy hồ.
Những tài sản có giá trị còn lại của ông ta được giấu ở một hang núi ở gần đó. Cũng theo những người già ở Kyrgyzstan, tất cả những người có liên quan hay biết đến lễ tang thực sự của Thành Cát Tư Hãn sau đó đều bị chặt đầu nên bí mật về nơi chôn cất cũng như kho báu của ông ta đã được giữ kín cho đến tận bây giờ.
Ngoài ra, ở khu vực hồ này được cho là còn có một kho báu khác nữa, là kho báu của những người theo đạo Thiên Chúa. Theo nhiều nguồn tin kể lại, vào năm 1218, Thành Cát Tư Hãn điều một toán quân gồm 25.000 binh sỹ tới thung lũng Chui. Trong bối cảnh đó, những tu sỹ Thiên Chúa giáo và những người theo đạo Thiên Chúa giàu có cư trú ở gần đó đã quyết định bỏ trốn khỏi những người Mông Cổ xâm lấn.
Trước khi rời đi, những người này đã gom hết những của cải có giá trị của mình. Một đoàn gồm 200 con lạc đà chở đầy những trang sức bằng vàng và bạc đã nối đuôi nhau di chuyển về bờ phía Bắc của hồ Issyk-Kul.
Tuy nhiên, vào lúc đó, đoàn người này nhận được thông tin lính Mông Cổ cũng đã chặn đường ở phía Kashgar. Bị mắc kẹt từ 2 hướng, những người theo đạo Thiên Chúa đã bắt đầu tìm nơi để giấu kho báu. May mắn là họ đã gặp một tu viện của người Thiên Chúa giáo ở gần đó và đã giấu một phần kho báu ở quanh bờ biển.
Vào buổi sáng hôm sau, nước ở hồ dâng lên cao, cuốn kho báu của những người trốn chạy xuống lòng hồ. Cho đến nay, những kho báu được cho là đang ở dưới lòng hồ Issyk-Kul vẫn chưa được tìm thấy. Nhưng theo trang web Kyrgyzstan Travel, trên thực tế đã có rất nhiều đoàn người tìm đến đây với hy vọng tìm được kho báu. Trong đó, vào đầu thế kỷ 20, một tấm bản đồ về những kho báu bị chôn ở Issyk-Kul đã được đưa từ Trung Quốc tới Kyrgyzstan.
Sau đó, đến năm 1926, những người di cư từ Trung Quốc đã sử dụng tấm bản đồ này và bắt đầu khai quật các hang động ở Kurmentinskoy để tìm kiếm kho báu. Khi đào đến độ sâu 6m, họ đã phát hiện một phiến đá và hai chiếc búa, một chiếc bằng đồng và chiếc còn lại bằng vàng. Chiếc búa bằng vàng sau đó đã được đưa tới văn phòng thành phố Przhevalsk thuộc tỉnh Issyk-Kul vào năm 1930.
Việc bàn giao này được ghi chép trong các tư liệu nhưng việc tìm kiếm kho báu sau đó đã bị cấm. Trong giai đoạn từ 1968 đến 1975, Ủy ban An ninh nhà nước và Viện khoa học Kyrgyzstan cũng bắt đầu tìm kiếm kho báu ở khu vực hồ Issyk-Kul. Song, đến nay, vẫn chưa có bất cứ kho báu nào được tìm thấy ở khu vực này.