Hồ Ba Bể là một trong những hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam với chiều dài hơn 8km, diện tích mặt nước là 500 ha, trên hồ có nhiều đảo nhỏ. Nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển, nước hồ trong xanh, quanh năm mát mẻ. Hồ Ba Bể có sự hòa hợp giữa núi rừng, sông nước, lại có khí hậu mát mẻ, trong lành nên nơi đây là địa điểm du lịch luôn xứng đáng là điểm đến của du khách.
Đến với hồ Ba Bể, du khách có thể có những trải nghiệm hấp dẫn. Trong đó không thể không nhắc tới hành trình từ bến thuyền Buốc Lốm vào hồ Ba Bể. Từ bến Buốc Lốm, những chiếc thuyền máy sẽ đưa du khách dọc theo dòng sông Năng, xuyên qua động Puông đi vào đến hồ Ba Bể. Trên thuyền, ngoài thưởng thức những điệu hát Then độc đáo, du khách được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với núi non kỳ vĩ, tươi đẹp, một màu xanh trải dài, những thảm thực vật xanh tốt quanh năm, ẩn hiện sau những ngọn núi thật ấn tượng.
Đến thăm hồ Ba Bể không những được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh nước non xanh hùng vĩ, mà du khách còn được khám phá, trải nghiệm các hoạt động kỳ thú trên hồ như bơi lội, chèo thuyền, câu cá, chinh phục dòng thác cao, chạy xe đạp trên những con đường khúc khuỷu, quanh co “để khám phá trọn vẹn kỳ quan hồ Ba Bể, du khách cần nhiều ngày, thong thả trải nghiệm thì mới cảm nhận được sự đặc biệt, phong phú của hồ Ba Bể.
Ngoài những điểm trên, du khách có thể ghé thăm, khám phá nét đẹp của động Hua Mạ có cảnh quan độc đáo với những khối thạch nhũ nhiều hình dạng khác nhau. Không xa là động Puông dài 300m, cao hơn 30m với các vách đá dựng đứng và nhiều nhũ đá có nhiều hình dạng, màu sắc. Động Puông có hai động liền kề nhau, động ở trên gọi là Động Trên, động dưới thấp gọi là Động Dưới.
Đến với hồ Ba Bể, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng sống trong các bản ven hồ như bản Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù… và thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc bản địa như rau bò khai, hoa chuối rừng, măng, rau zớn, các món ăn chế biến từ tôm, cá của hồ Ba Bể, các loại bánh do chính tay đồng bào chế biến.
Để phát triển du lịch, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo phát triển du lịch theo đúng định hướng. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về lợi ích phát triển du lịch được nâng lên. Thông qua hoạt động du lịch đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bắc Kạn cũng quan tâm triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, từ đó, bước đầu huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Nguồn vốn đầu tư công dành cho phát triển du lịch còn thấp. Các khu, điểm du lịch chưa có quy hoạch chi tiết. Công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, tỉnh chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Kạn đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch để phát triển du lịch. Mục tiêu phấn đấu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị di sản. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển Khu du lịch Ba Bể trở thành Khu du lịch quốc gia.