Hơn 30 hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng vừa có buổi họp mặt thân mật tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố. Câu chuyện giữa họ xoay quanh cuốn tiểu thuyết mới “ra lò” của đồng nghiệp Nguyễn Quốc Hùng, mang tên “Dòng sông chở kiếp”. Được trao đổi những suy nghĩ, quan điểm về văn chương và tác phẩm, các văn sĩ khi tham dự tọa đàm thực sự đã tìm được một diễn đàn để sẻ chia những kinh nghiệm thực tế trong hoạt động sáng tác.
Nhà văn Cao Năm trình bày tham luận tại buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, 6 tham luận phân tích, mổ xẻ sáng tác mới của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng một cách khá chi tiết. Với 4 trang tham luận, nhà văn Ngọc Châu đặc biệt quan tâm tới lối viết của Nguyễn Quốc Hùng qua tác phẩm. Ông cho rằng, tác giả đã quá tham tình tiết dẫn tới sử dụng đoạn văn quá dài, đánh đố sự kiên nhẫn của người đọc; cách bố cục truyện ngắn chưa phù hợp với lối tư duy hiện đại. Nhà văn Hoài Khánh lại đi sâu vào nội dung tác phẩm để làm sáng rõ hơn ý tứ tác giả gửi gắm trong từng chi tiết. Những nhà văn thuộc lớp “lão làng” như Vũ Hoàng Lâm, Cao Năm… cũng mang đến buổi tọa đàm nhiều nhận xét thẳng thắn, chân thành trong cách sử dụng ngôn từ, về nghệ thuật tạo dựng xung đột trong tác phẩm… Tất cả tạo nên không khí giao lưu cởi mở và ấm áp. Quan trọng hơn, cả người góp ý và người được góp ý đều cảm thấy hài lòng với những kinh nghiệm thu lượm được từ buổi tọa đàm.
Nhà văn Nguyễn Quốc Hùng, cho biết nhân buổi tọa đàm, tác phẩm của anh ít nhất được 6 nhà văn thưởng thức và nghiên cứu. Đó là một vinh dự và niềm vui đối với người cầm bút. Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng giúp anh rút ra nhiều bài học quý trong quá trình sáng tác, từ rà soát kỹ tác phẩm sau khi hoàn thành tới việc rèn phong cách viết chuyên nghiệp hơn.
Đây không phải là lần đầu, một cuộc tọa đàm về một sáng tác mới được tổ chức trong giới văn sĩ đất Cảng. Theo nhà văn Lưu Văn Khuê, buổi tọa đàm đầu tiên được tổ chức cách đây khoảng 20 năm, bàn về tập thơ “Hoa nắng” của nhà thơ Phạm Ngà và Nguyễn Thanh Toàn. Tuy nhiên, giai đoạn đó việc in sách, ra tập thơ của các văn nghệ sĩ còn hạn chế nên hình thức tọa đàm không được nhân rộng. Hiện, việc ra sách, in tác phẩm mới của các văn nghệ sĩ thuận lợi hơn trước, tạo điều kiện để hình thức tọa đàm có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, theo nhà văn Đình Kính, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, tổ chức tọa đàm về sáng tác mới không phải không có khó khăn. Tọa đàm chỉ thành công khi mọi người tham dự đều phải đọc, thẩm định tác phẩm trước. Trên thực tế, nhiều người dự tọa đàm chưa hề đọc tác phẩm khiến buổi tọa đàm đơn thuần chỉ là đọc – nghe hoặc là cuộc đối thoại giữa tác giả với người có tham luận. Tuy nhiên, việc đọc trước tác phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người và chất lượng của tác phẩm.