Hội nghị có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành ở Trung ương như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện Lãnh đạo UBND, Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; đại diện Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện một số tổ chức hành nghề công chứng...
Công chứng hơn 27 triệu việc trong 05 năm
Theo Báo cáo tại Hội nghị Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp; không thể phủ nhận công chứng là “lá chắn” phòng ngừa hữu hiệu, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội, giảm thiểu công việc cho Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự.
Cụ thể, trong 05 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được gần 1,4 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, việc công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh công chứng quốc tế (UINL), chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của UINL là kết quả đáng ghi nhận góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế.
Như vậy, việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 đã thu được nhiều kết quả, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đón nhận. Yêu cầu công chứng ngày càng tăng, sự hài lòng và thuận tiện của nhân dân về công chứng, đặc biệt hình ảnh Công chứng Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến, được UINL ghi nhận và đánh giá cao chính là thước đo sự thành công của Luật.
Hội nghị sẽ là một trong những cơ sở, định hướng quan trọng để Bộ Tư pháp tổng hợp, lập đề nghị sửa đổi Luật Công chứng, đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ hoặc quy định theo thẩm quyền những giải pháp phù hợp hơn trong công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động công chứng trong những năm tiếp theo. Qua Hội nghị này, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có cơ hội tham khảo kinh nghiệm, nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện hơn về trách nhiệm và cách thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác quản lý nhà nước về công chứng. Đây sẽ là điều kiện cần và đủ nhằm tạo những chuyển biến mang tính đột phá trong thời gian tới, đồng thời bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững của hoạt động công chứng, chứng thực, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng
Hội nghị cũng đã nghe một số nội dung tham luận quan trọng như: Công tác quản lý nhà nước về công chứng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - Kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc và đề xuất; vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong tổ chức và hoạt động công chứng; vai trò của công chứng trong hoạt động của Ngân hàng; một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công chứng…
Bên cạnh đó, Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, kiến nghị trong triển khai Luật Công chứng.
Qua quá trình triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng, đại diện Học viện Tư pháp có một số đề xuất về việc sửa Luật công chứng liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng như: Không áp dụng việc miễn đào tạo nghề công chứng mà chỉ áp dụng giảm thời gian đào tạo nghề công chứng; bổ sung quy định miền bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với những công chứng viên là giảng viên thỉnh giảng của Học viện Tư pháp; bổ sung thêm nghĩa vụ tiếp nhận học viên thực tập vào nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng.
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số công chứng ở Việt Nam Văn phòng công chứng Nguyễn Thanh Đình, TP Cần Thơ đề xuất cần kịp thời ghi nhận dữ liệu điện tử bằng việc cụ thể hóa các quy định của Luật Giao dịch điện tử và hướng dân áp dụng các quy định của Nghị định số 30/2020/NĐ-CP về Công tác văn thì liên quan đến thông điệp dữ liệu, văn bản điện tử để áp dụng vào các hoạt động trao đổi thông tin, lưu trữ hồ sơ và tài liệu công chứng dưới dạng dữ liệu số. Luật hóa quy định về chia sẻ và kết nối thông tin, dữ liệu công chứng. Việc kết nối dữ liệu công chứng vào các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký biện pháp bảo đảm, đăng ký tài sản, hộ tịch, thuế và dữ liệu của các tổ chức tư pháp như tòa án, thi hành án sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao khả năng có được thông tin đầy đủ, hạn chế tình trạng thiếu thông tin công chứng để đảm bảo an toàn pháp lý khi thực hiện công chứng. Từng bước ghi nhận bổ sung vào Luật công chứng các quy định điều chỉnh đối với các giải pháp công nghệ mới để tiến tới tăng cường mức độ thực hiện thủ tục công chứng trên môi trường điện tử.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh những thành quả đã đạt được trong hoạt động công chứng như: Công tác triển khai thi hành Luật; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; tổ chức và hoạt động công chứng; công tác quản lý nhà nước khác về công chứng và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã thắng thắn chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế của hoạt động công chứng thời gian qua, pháp luật về công chứng đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn; trình độ của đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra sai phạm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số còn hạn chế; cải cách thủ tục hành chính tại một số nơi chưa thực sự toàn diện, chưa có tính liên thông.
Thời gian tới, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực công chứng, trước hết là Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai,...; tập trung sửa đổi những quy định đang gây cản trở, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo đúng định hướng trong Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 29/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Để đảm bảo phân bố văn phòng công chứng trên các địa bàn nhất là nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, trong đó đặc biệt quan tâm việc xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, lành mạnh để tiến tới hình thành các tổ chức hành nghề công chứng có quy mô, uy tín.
Chú trọng đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, người tập sự hành nghề công chứng gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương để có phương án quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm phù hợp;
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, các đoàn thanh tra đột xuất, phát huy vai trò, trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của các Sở Tư pháp, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển đổi số trong hoạt động công chứng.