Một doanh nhân đã dành khu resort sang trọng bên phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) để cách ly những du khách trên chuyến bay có người nhiễm Covid-19. Việc làm của ông chủ resort vấp phải sự phản đối của một số người dân xung quanh, khách du lịch khác trả phòng, thậm chí nhân viên bỏ việc.
Một góc resort bên phá Tam Giang |
Tuy nhiên, chủ nhân khu resort này chia sẻ: “Họ cũng như người nhà mình vậy. Giúp người là giúp mình có gì đâu mà sợ”. Theo ông, người dân lo ảnh hưởng nên phản ứng cũng khó trách. Chỉ mong người dân hiểu được việc làm nhân văn này.
Trong kinh doanh, lợi nhuận đượt đặt lên hàng đầu. Nhưng những ngày vừa qua, việc một số chủ nhà vẫn miễn giảm tiền cho người kinh doanh thuê. Câu chuyện của anh Trần Đức Minh - founder của một nhà hàng ẩm thực ở Hà Nội chia sẻ được cư dân mạng ví như “cổ tích giữa đời thường”.
Anh Minh cho biết nhận được tin nhắn cho miễn 3 tháng thuê nhà từ cô chủ nhà tốt bụng. Không những thế, giá thuê còn giảm xuống còn 50 triệu đồng/tháng trong vòng một năm tiếp theo.
Tin nhắn của bác chủ nhà tốt bụng. |
Chị Nguyễn Ngọc - chủ hệ thống spa cũng được chủ nhà hỗ trợ tiền nhà trong mùa dịch. Chị có 5 cơ sở spa, trong khi đó 2 cơ sở ở Hà Nội. Tình hình kinh doanh khó khăn, chị Ngọc phải đóng cửa tạm thời mấy cơ sở làm đẹp. "Tôi có trao đổi với chủ nhà ở Triệu Việt Vương (Hà Nội), cô chú cũng là dân kinh doanh nên rất hiểu và đã đồng ý miễn 3 tháng tiền nhà, trong khi tiền thuê là 110 triệu/tháng chứ không hề ít. Đúng là giữa những lúc khó khăn thì tình người vẫn ở đây”, chị Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, một số hệ thống khách sạn tại phố cổ Hà Nội cũng đã được chủ nhà đồng ý giảm 60-80% tiền thuê nhà mỗi tháng.
Không chỉ là những giá trị về vật chất, dịch Covid-19 còn khiến chúng ta hiểu hơn về tình người. Câu chuyện nữ tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh của Hãng hàng không Vietnam Airlines chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người không khỏi xót xa, nhưng hơn hết là sự xúc động.
Hình ảnh xúc động được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Chị Phương Anh chia sẻ vì dịch Covid-19 mà 2 cháu bé phải xa rời vòng tay mẹ. Cô chị 3 tuổi, em mới 2 tháng được người mẹ gửi từ châu Âu gửi về cho bà chăm sóc. Hai chị em khóc vì nhớ mẹ. Người bà của hai em thì hết quay sang cô chị vỗ về lại quay qua chăm cô em. Bà bế em đến nỗi tay mỏi rã rời và tê nhưng không dám nói... Chị Phương Anh sau đó đã bế em bé trên tay vỗ về gần như cả hành trình còn lại của chuyến bay.
Hay hình ảnh chiến sỹ Công an Đà Nẵng mua giúp cháo cho con của 1 phụ nữ đang được cách ly bên trong khách sạn Vanda (đường Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) cũng khiến trái tim bao người lay động. Bên trong và bên ngoài khu cách ly đều bịt kín khẩu trang, găng tay và chỉ giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, mảnh giấy từ khoảng cách xa hơn 5 mét.
Hình ảnh xúc động về cuộc trao đổi ngắn ngủi giữa người phụ nữ và chiến sỹ công an được ghi lại. |
Khi thấy một người phụ nữ giơ tấm biển: "Các anh công an ơi. Mua giúp em 1 bát cháo cho 1 em bé với ạ. Em cảm ơn", một anh công an đã lập tức giơ tay ra dấu hiệu đồng ý. Khoảng 20 phút sau, cháo của em nhỏ đã được các chiến sỹ chuẩn bị xong và đưa cho nhân viên Y tế mang vào cho người mẹ trẻ.
Việc tuyên truyền đến người dân việc nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh được lực lượng công an phường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) tích cực triển khai. Hình ảnh những chiến sĩ công an cùng các ban ngành bật loa, đạp xe treo băng rôn, phát tờ rơi đi khắp các ngõ ngách trên địa bàn phường khiến nhiều người thấy gần gũi, thân thương.
Hình ảnh chiến sĩ công an đạp xe đi tuyên truyền chống dịch. |
Buổi sáng từ 8h30, buổi chiều từ 14h, mỗi ngày, đoàn sẽ bật loa, treo băng rôn tuyên truyền khắp các ngõ ngách trên địa bàn khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Các ban ngành cùng vào cuộc tuyên truyền. |
"Thời điểm này, mọi người đều cần chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Việc làm của các cơ quan chức năng là rất thiết thực và hợp lý. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đến người dân hơn nữa", một người dân chia sẻ.