Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Nói đến việc giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống theo tinh thần “cho cần câu, không cho xâu cá”, nguồn vốn tín dụng được xem là động lực để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Nhưng đó chỉ là yếu tố đủ. Yếu tố cần thiết khác đó chính là việc bình xét đúng đối tượng để trao cho họ cơ hội “không bị bỏ lại phía sau”, có đường hướng dẫn dắt họ phát triển kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật, thậm chí cầm tay chỉ việc, theo dõi đôn đốc họ sử dụng đồng vốn hiệu quả. Những vấn đề này nằm ngoài tầm với của NHCSXH. Chính bởi vậy, khi Chỉ thị số 40 ra đời đã tập trung giải pháp vào thực hiện tín dụng chính sách, qua đó tạo được hiệu quả đột phá trên địa bàn Thái Nguyên.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết, đồng chí Trần Quốc Tỏ - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên - khẳng định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40 được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.
Chỉ nói riêng về việc huy động nguồn lực tại địa phương cho vay đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, ngay sau Chỉ thị số 40 ra đời, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay đạt hơn 80 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so với 31/12/2014.
Đặc biệt với một tỉnh đồng bào DTTS chiếm khoảng 27% dân số; có 124/180 xã, thị trấn miền núi, vùng cao, tỉnh đã triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” tại 04 huyện (Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai). Thông qua Đề án này, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí giống, phân bón trồng cây ngô lai, chăn nuôi trâu bò, trồng cây ăn quả và hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các hộ nghèo và hộ cận nghèo vay vốn NHCSXH với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng.
Khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 40. |
Hiệu ứng của việc nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc vận động xây dựng quỹ tín dụng chính sách xã hội cũng như triển khai sâu rộng thực hiện Chỉ thị số 40 cũng đã cộng hưởng những giá trị mới trong công tác tín dụng chính sách. Như ở thị xã Phổ Yên, MTTQ thị xã tổ chức các Cuộc vận động huy động sự đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội chuyển sang NHCSXH thị xã để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các xã về đích nông thôn mới năm 2017, 2018. Đến nay, MTTQ thị xã đã chuyển sang 485 triệu đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhìn rộng ra toàn tỉnh, đã huy động từ doanh nghiệp được 8,549 tỷ đồng.
Những kết quả này thêm một lần nữa khẳng định tính thiết thực của Chỉ thị số 40. “Sự quan tâm của Đảng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả kênh tín dụng chủ lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về sơ kết Chỉ thị số 40 nhấn mạnh tại Hội nghị.
Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong giai đoạn mới nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quang Tỏ đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị địa phương. Thực hiện “Tuyên truyền tốt, vận động tốt, thực hiện tốt và quản lý tốt” chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn.
Trong 05 năm qua, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.308 tỷ đồng, với 140.528 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, 62.853 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển SXKD; 2.466 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 6.009 lao động được duy trì và tạo việc làm mới, 523 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, 21.896 lượt hộ vay vốn để SXKD và hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; xây dựng được 66.704 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Tổng dư nợ tính đến 30/6/2019 đạt gần 3.390 tỷ đồng, tăng 1.273 tỷ đồng so với 31/12/2014, với 118.678 khách hàng, dư nợ bình quân đạt 28,56 triệu đồng/khách hàng.