Có thể thấy rằng, ngoài những nhân vật lịch sử được dạy, nhắc đến nhiều trong môn học lịch sử của học sinh các cấp với chiến công hiển hách như bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức Thắng… thì nhiều người dân tiếp xúc chủ yếu với nhân vật lịch sử qua… tên đường.
Khá nhiều nhân vật lịch sử, tuy các bài học lịch sử không nhấn mạnh, nhưng nhờ đặt tên cho những con đường mà trở thành một phần quen thuộc trong kí ức qua các thế hệ: Phan Văn Trị, Phạm Văn Hai, Võ Văn Ngân, Phùng Khắc Khoan, Bùi Hữu Nghĩa…
Cạnh đó, những tuyến đường mang tên các chiến dịch, cuộc khởi nghĩa, mốc lịch sử quan trọng của đất nước cũng góp phần liên tục nhắc nhớ về những mốc son dân tộc: Yên Bái, Lam Sơn, Cách mạng tháng 8, Điện Biên Phủ, 3/2… Từ việc lưu kí ức dẫn đến một bộ phận tò mò, tìm hiểu nguồn gốc, nhân vật từ tên đường, để mở rộng kiến thức, biết, nhớ về lịch sử.
Chính vì thế, hiện nay, với nhiều địa phương đang phát triển, việc làm đường mới cũng dẫn đến một vấn đề cần cân nhắc, đó là chọn danh nhân để đặt tên đường. Năm 2020, TP HCM đã thông qua việc đặt tên mới cho 44 con đường, đổi tên một đoạn đường để mang tên Tả quân Lê Văn Duyệt.
Các con đường được đổi tên đã nghiên cứu kĩ lưỡng về tính khoa học, phù hợp giữa nhân vật lịch sử và khu vực đường đặt tên, có nhân vật được đặt cho con đường có di tích lịch sử thờ nhân vật ấy, có đoạn đặt theo cụm nhân vật liên quan…
Khi TP thông qua dự án đổi tên đường, nhiều nhà văn hóa, nhiều người dân đã rất phấn khởi, vì các nhân vật được đặt tên đều là những người có công với đất nước, hoặc có công lớn với đất phương Nam, đất Gia Định nhưng ít được biết đến hoặc chưa được vinh danh. Việc đặt tên sẽ góp phần bày tỏ sự biết ơn với tiền nhân, giúp người dân có cơ hội tiếp cận thêm nhiều nhân vật lịch sử đáng ghi nhớ.
Đồng thời, từ đây, nhiều nhà nghiên cứu cũng lên tiếng đề xuất TP trong thời gian sắp tới sẽ tích cực hơn nữa trong việc đổi mới tên đường. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị & phát triển thì TP hiện có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên vô nghĩa. Những cái tên Hoa Lan, Hoa Hồng, Hoa Huệ, hoặc D1, D2, D3, K1, K2, K3… tồn tại rất phổ biến.
Trong khi đó, các danh nhân, nhân vật lịch sử, người có công còn rất nhiều trong sử sách, trong kí ức của nhân dân nhưng ít được nhắc đến, chưa được đặt tên. Vì vậy, việc để hàng ngàn tên đường tạm bợ như vậy là quá uổng phí, mất đi cơ hội cho người dân học lịch sử, có lỗi với tiền nhân.
Với việc đổi tên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt theo ý nguyện của người dân và các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, hy vọng TP sẽ có những đề án đổi mới tên đường mạnh mẽ, khoa học, sao cho vừa đem tên tuổi tiền nhân phổ biến rộng trong dân, vừa giúp người dân có thêm kiến thức lịch sử, càng khơi dậy lòng tự hào dân tộc.