Gần đây nhất chị thực hiện đề tài: “Quy trình thẩm tra về trình tự thủ tục hồ sơ thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản đảm bảo cho việc thi hành án”. Nhờ đó, công việc chị đang đảm nhận mang lại hiệu quả tích cực.
Chị Trương Thị Kim Cúc tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP HCM năm 2004,chị công tác tại Chi cục THADS huyện Di Linh từ tháng 2/2005. Dựa kinh nghiệm lâu năm công tác tại đây, chị Cúc không ngừng phấn đấu, nỗ lực, trau dồi kinh nghiệm từ lớp thế hệ đi trước và luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Năm 2015 chị xứng đáng nhận chức vụ Thẩm tra viên tại Chi cục THADS huyện Di Linh. Từ khó khăn trong kiểm tra hồ sơ đã và đang thi hành án, trước khi chấp hành viên tổ chức kê biên nên tháng đầu năm 2017 chị Cúc đã ấp ủ và cho ra sáng kiến phục vụ ngành thi hành án của huyện Di Linh.
Từ đó, từng ngày chị không ngừng suy nghĩ cách để thực hiện và áp dụng thành công đề tài “Quy trình thẩm tra hồ sơ THA trước khi tổ chức cưỡng chế” để mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm thời gian. Đề tài trên của chị Cúc hoàn thành vào tháng 7/2017.
Nói về lý do chọn đề tài, chị Trương Thị Kim Cúc cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ của 1 thẩm tra viên là kiểm tra hồ sơ đã và đang thi hành án, trước khi chấp hành viên tổ chức kê biên, tôi có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đó. Trong quá trình làm tôi thấy vướng mắc nhiều khó khăn nên tôi nghĩ ra quy trình để khi tôi viết lên thì người khác hiểu và làm như mình”.
Chị Cúc lý giải: Trước đây trong ngành bao nhiêu văn bản của Tổng cục có những quy trình về thi hành án nhưng lại không có quy trình hướng dẫn thẩm tra viên viết về kiểm tra hồ sơ của chấp hành viên trước khi cưỡng chế, chị viết đề tài này để nhân rộng cho các thẩm tra viên khác.
Để đảm bảo hồ sơ thi hành án của chấp hành viên đúng, đầy đủ về căn cứ, thủ tục thì không ai khác ngoài chấp hành viên là người trực tiếp tổ chức thi hành vụ việc phải khẳng định tính pháp lý của hồ sơ, đồng thời để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án.
Nội dung trong đề tài mà chị Cúc muốn đề cập đến là trước khi tiến hành cưỡng chế trong trường hợp cần huy động lực lượng thì chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án (quy định tại Điều 72 Luật THADS trình thủ trưởng cơ quan thi hành án phê duyệt kế hoạch cưỡng chế.
Tiếp đó, chấp hành viên phụ trách hồ sơ phải có báo cáo quá trình tổ chức thi hành vụ việc, trình tự, thủ tục thi hành án trong hồ sơ thi hành án tính đến thời điểm lập kế họach cưỡng chế trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
Sau khi áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án của bản thân chị Trương Thị Kim Cúc vào thực tế công tác tại đơn vị đã đạt được nhiều kết quả cao như: Việc thẩm tra hồ sơ trước khi tổ chức cưỡng chế trong thời gian qua đã thể hiện được tính khả thi, hầu hết các hồ sơ thi hành án của chấp hành viên được kiểm tra, thẩm tra đều đã đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, chặt chẽ về căn cứ pháp lý trước khi tổ chức cưỡng chế.
Chi Cúc vui vẻ chia sẻ: “Việc áp dụng Quy trình thẩm tra, kiểm tra hồ sơ thi hành án trước khi tổ chức cưỡng chế đảm bảo cho việc thi hành án đã giúp các chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế đúng trình tự, thủ tục theo quy định, quá trình kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thuận lợi, nhanh chóng đem lại hiệu quả trong công tác tổ chức thi hành án”.
Theo chị Trương Thị Kim Cúc, hiệu quả đem lại từ đề tài đó là: Giảm việc chấp hành viên bị khiếu nại, tố cáo, giảm bồi thường trong thi hành án và giúp chấp hành viên nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức hồ sơ thi hành án tránh lặp lại sai sót.
Ông Phạm Văn Linh - Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Di Linh cho biết: “Qua đề tài này đồng chí Trương Thị Kim Cúc đã đưa ra các bước, giải pháp để thực hiện thẩm tra hồ sơ đảm bảo về mặt thời gian, thủ tục cũng như chất lượng. Bên cạnh đó, đồng chí Cúc là người có trách nhiệm và hoàn thành tốt xuất sắc công việc được giao, luôn tạo bầu khí vui tươi, đoàn kết trong cơ quan. Những năm qua đồng chí Cúc được nhận Giấy khen từ Cục trưởng THADS tỉnh Lâm Đồng và được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở”.