Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, thời gian qua, việc thực hiện các chính sách cho người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi theo đúng quy định đang từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm; hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi càng được tăng cường, củng cố xây dựng vững mạnh; nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đoàn kết, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đảm bảo.
Trong đó, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Nghệ An thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, gồm 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I).
Chính sách hỗ trợ đầu tư, có 8 Sở, ngành và 12 huyện, thị xã được giao chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện.
Nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người đồng bào DTTS. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 4 chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc chủ trì quản lý, chỉ đạo. Các chính sách này được triển khai từ giai đoạn trước và đang tiếp tục thực hiện.
Các chính sách đều được phân bổ nguồn lực thực hiện theo từng năm, các nội dung chính sách thực hiện theo đúng quy định, đúng đối tượng, đúng địa bàn và tỷ lệ giải ngân hàng năm đều đạt 100% kế hoạch được giao.
Về thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đến ngày 31/5/2023, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã giải ngân nguồn vốn cho 2.122 khách hàng, số tiền trên 105.567 triệu đồng, hoàn thành 75% kế hoạch.
Về triển khai thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg từ năm 2018- 2021, các dự án định canh, định cư cơ bản được thực hiện có hiệu quả, được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao; góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và từng bước ổn định đời sống, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.
Về thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2020 đến năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có uy tín, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện.
Giảm nghèo từ những mô hình đầu tư phát triển. |
Kết quả trên đạt được là nhờ công tác chỉ đạo sát sao, quyết liệt và điều hành thực hiện Chương trình luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch, nhiệm vụ của UBND tỉnh Nghệ An. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình được thực hiện thường xuyên, liên tục và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành.
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước luôn được tỉnh chú trọng. Công tác thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được triển khai sâu rộng, thường xuyên đến tất cả các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.