Phú Vang là một huyện thu ngân sách còn hạn chế, song với sự tham mưu kịp thời, thường xuyên của NHCSXH, sự chung tay góp sức của các ban ngành, thấu hiểu mức độ cần nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của bà con hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, HĐND, UBND huyện đã quan tâm hơn đến việc chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH huyện để cho vay. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, địa phương đã chuyển 4,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Đây là sự chuyển biến từ nhận thức đến cách làm sáng tạo của các địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đến nay, sau hơn 7 năm thực hiện, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này đã minh chứng cho một quyết sách đúng đắn của Đảng. Không những giải quyết những vấn đề nội tại trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà còn tạo bước đột phá trong việc kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách; tô đậm thêm tính nhân văn của tín dụng chính sách xã hội riêng có mà Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho người nghèo, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.
Là một trong những hộ được vay vốn từ nguồn vốn ủy thác của địa phương để phát triển kinh tế gia đình, anh Đào Hữu Lộc (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) cho biết, năm 2020 thông qua chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, gia đình anh đã được xem xét vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác địa phương của huyện. Từ số tiền đó, anh Lộc đã mua 03 con bò đẻ. Đến nay gia đình đã nhân giống lên đàn bò gồm 8 con với giá trị đàn bò là 100 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ đàn bò, gia đình anh Lộc đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, rau màu... bình quân tổng thu nhập của gia đình anh khoảng 150 triệu đồng/năm.
100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Vang đã được phân bổ nguồn vốn tín dụng chính sách |
Cũng như anh Lộc, gia đình chị Lê Thị Trang (xã Phú Hồ, Phú Vang) cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn ủy thác địa phương của huyện. Chị Trang cho biết, gia đình chị được vay vốn 50 triều đồng tại NHCSXH huyên Phú Vang từ chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với số tiền đó, chị đã đầu tư cải tạo vườn gồm 2 ha trồng hoa màu, cây ớt. Đến nay với thời gian hơn 1 năm đã thu hoạch và bán ra thị trường với số lượng không nhỏ, thu về một số lợi nhuận để trả nợ ngân hàng đồng thời cải thiện cuộc sồng gia đình.
Theo ông Đào Bá Thuận- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Vang cho biết, đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt trên 293 tỷ đồng, với trên 8.101 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên toàn huyện. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các hộ nghèo, hộ cận nghèo... góp phần giúp các hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 530 lao động; giúp cho 14 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 85 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 3.563 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 354 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, lãnh đạo NHCSXH huyện Phú Vang cho biết, thời gian tới tiếp tục tham mưu cho HĐND, UBND huyện Phú Vang về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác vay.
“Hiện NHCSXH huyện Phú Vang đang nghiên cứu xây dựng để trình UBND huyện Phú Vang phê duyệt đề án cho vay giải quyết việc và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với người lao động trên địa bàn huyện Phú Vang giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đề xuất UBND tham mưu HĐND huyện phê duyệt tổng nguồn vốn cho vay là 7 tỷ đồng. Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan phù hợp với thực tiễn, phát huy vai trò một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với những đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống...”- ông Thuận cho biết thêm.