Liên tục đưa ra các cảnh báo
Theo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thương vụ tại các nước và vùng lãnh thổ của Bộ Công Thương, Thương vụ có 6 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ xác minh thông tin về độ tin cậy và tín nhiệm của doanh nghiệp (DN) nước sở tại theo nhu cầu của DN Việt Nam; Tổng hợp danh sách DN nước sở tại nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam; Hỗ trợ DN Việt Nam tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế, tham gia giải quyết tranh chấp với DN nước sở tại (nếu có)…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã từng đánh giá, cơ quan Thương vụ đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong việc tìm kiếm những đối tác chiến lược ở nước sở tại, giúp DN Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
Ngoài ra, hệ thống Thương vụ cũng đã làm tốt công tác thị trường, các cảnh báo liên quan đến hoạt động của DN nước sở tại để giúp DN Việt Nam nắm bắt được nhiều thông tin hơn trong quá trình hợp tác.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, DN Việt có nhiều cách để tìm kiếm đối tác ở nước ngoài mà không cần thông qua hệ thống Thương vụ hoặc các hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành, hiệp hội liên quan, trong đó tìm kiếm thông qua internet và các sàn thương mại điện tử là phổ biến nhất. Nhưng khi tận dụng phương thức này, DN Việt đã không thể lường hết được những hệ lụy, rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành các hoạt động giao dịch với đối tác nước ngoài.
Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Canada, Nigeria, Hà Lan… đều đã đưa ra các cảnh báo cho DN Việt về các giao dịch thương mại với các đối tác nước ngoài, đặc biệt với các đối tác lần đầu tiên thực hiện giao dịch, các đối tác được tìm kiếm qua phương thức trực tuyến hoặc qua các sàn giao dịch lớn trên thế giới…
Khá nhiều DN Việt đã mất tiền trong các giao dịch với các đối tác thuộc các trường hợp trên, thậm chí có trường hợp bị lừa một cách rất tinh vi. Có thể kể đến vụ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan mới đưa ra gần đây.
Theo nội dung cảnh báo của Thương vụ, đối tác của DN Việt tại Hà Lan đã sử dụng hình ảnh, tên tuổi của một công ty đã có hơn 30 năm thành lập để giao dịch với DN Việt Nam. Do những yếu tố về tuổi đời của công ty cộng thêm website của DN này rất bắt mắt nên đã gây được sự tin tưởng đối với DN Việt khiến cho DN Việt hoàn tất toàn bộ giao dịch chuyển tiền khi chưa nhận được hàng hóa.
Chỉ đến khi bị đòi thêm tiền thanh toán lấy hàng (với lý do hàng đang bị giữ tại cảng), DN Việt mới giật mình nhận ra “dường như đã bị lừa”. Kết quả xác minh từ Thương vụ cho thấy, có thể đối tượng nào đó đã dùng tên một công ty có thật để lừa đảo vì các chứng từ mà phía Việt Nam nhận được đều là chứng từ giả.
Đừng để hoàn thành giao dịch mới… nhờ kiểm tra
Thương vụ tại Hà Lan cho biết, Thương vụ đã liên tục đưa các cảnh báo cho DN Việt Nam khi giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet. Đặc biệt lưu ý, trước khi tiến hành chuyển tiền trả trước cho các DN nước ngoài thì nên tiến hành một số bước kiểm tra đơn giản như gọi đến số điện thoại cố định, xem hình ảnh google map về biển hiệu công ty để xác định tính chính xác các thông tin về công ty. Sau đó có thể tiếp tục liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác Hà Lan cũng như rủi ro có thể xảy ra.
Tất cả những cảnh báo này đã mang lại hiệu quả khá rõ ràng khi mới đây, Thương vụ tại Hà Lan đã nhận được đề nghị từ một DN Việt nhờ xác minh tình hình đối tác tại Hà Lan trước khi tiến hành giao dịch nhập khẩu đồ uống và thực phẩm dù hình ảnh quảng bá trên website của DN này rất hút mắt, số điện thoại liên hệ và hình ảnh người liên hệ đầy đủ.
Theo yêu cầu của DN Việt, Thương vụ đã truy cập dữ liệu của Phòng Thương mại Hà Lan (KVK) thì nhận thấy số đăng ký thành lập DN đều trùng khớp, khi kiểm tra theo địa chỉ kho hàng thì cũng giống với kho hàng bình thường. Tuy nhiên, khi Thương vụ gọi đến số điện thoại di động đăng ký với KVK thì được trả lời “hiện tại công ty này đã phá sản và không có bất kỳ một giao dịch nào”.
Do vậy, Thương vụ tại Hà Lan nói riêng và hệ thống Thương vụ nói chung đặc biệt lưu ý đối với DN Việt Nam, trước khi tiến hành chuyển tiền hoặc hàng cho DN nước ngoài nên liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác. Bởi hoàn toàn có thể xảy ra hiện tượng, một số DN vốn đã từng làm ăn rất uy tín nhưng do nhiều nguyên nhân, họ bị phá sản mà DN Việt không thể nắm rõ thông tin.