Trong những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Nội đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm đầu tư về cả chủ trương chính sách, cơ sở vật chất nên đã góp phần giúp công tác này đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL trên báo chí, mạng internet thì hình thức thi tìm hiểu pháp luật cũng là một hướng đi mới, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các cuộc thi được tổ chức ngay từ cấp cơ sở, trở thành “sân chơi pháp lý” ý nghĩa, bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, số lượng bài dự thi lớn. Chất lượng các cuộc thi không chỉ dừng lại ở “giải phong trào” mà có nhiều bài thi mang tính chất nghiên cứu, chuyên sâu trở thành tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền pháp luật sâu rộng.
Trong đó, phải kể đến các cuộc thi: “Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính” tổ chức năm 2013, “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013” tổ chức năm 2014, 2015; “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” tổ chức năm 2017; đặc biệt là cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” tổ chức năm 2018 với 924.783 người tham gia (cao nhất từ trước tới nay, chiếm khoảng 1/10 dân số TP Hà Nội)…
Một điểm sáng trong các cuộc thi đó là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin thông qua hình thức thi viết trên mạng như: cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính” năm 2015; “Tìm kiếm giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân Thủ đô góp phần xây dựng Thủ đô trật tự, văn minh” năm 2016; “Người tốt việc tốt trong việc thực hiện kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô” năm 2017…
Thông qua các cuộc thi này, nhiều giải pháp, sáng kiến hay đã giúp TP tổ chức tốt công tác quản lý nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” đã được phát hiện, biểu dương và được tiếp tục đăng tải, tuyên truyền mạnh mẽ khi kết thúc cuộc thi.
Cùng với đó, TP Hà Nội còn phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT” trong 2 năm 2016 và 2017, triển khai tới 100% các trường THPT trên địa bàn TP. Năm 2016, cuộc thi đã thu hút gần 10.000 học sinh THPT tham dự, còn năm 2017, Hà Nội có số lượng học sinh tham gia lớn nhất cả nước.
TP còn tổ chức nhiều cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa đầy hấp dẫn như: thi “Hòa giải viên giỏi” năm 2014, “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống mua, bán người” năm 2014, “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” năm 2015, “An toàn giao thông” năm 2015, “Tìm hiểu Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐNĐ” năm 2016, “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy năm 2017, “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy” năm 2018…
Hình thức thi này có thế mạnh là nội dung, cách thức thể hiện đa dạng, được các đội thi chuẩn bị công phu, đặc biệt là các tiết mục trong phần thi năng khiếu như tiểu phẩm, thơ ca, hò vè… được các đội thi tự biên, tự diễn rất sáng tạo, bám sát chủ đề của các cuộc thi, trình bày, biểu diễn hấp dẫn, cuốn hút người xem.
Đặc biệt, trong các cuộc thi do Bộ Tư pháp phát động, Hà Nội luôn là đơn vị xuất sắc giành đạt giải cao toàn quốc như đạt giải A cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” năm 2015, giải Nhất cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” năm 2015, giải Đặc biệt cuộc thi “Hòa giải viên giỏi toàn quốc” năm 2016…
Có thể nói, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do TP Hà Nội tổ chức trong thời gian qua đã tạo được sức lan tỏa lớn trong đời sống, xã hội, trở thành kênh thông tin hữu hiệu để phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Để tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đó, theo nhiều ý kiến, nội dung và hình thức các cuộc thi cần bám sát chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, từ đó nghiên cứu đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng mà công tác PBGDPL hướng tới.
Việc thông tin về các cuộc thi phải kịp thời, liên tục, sâu rộng, xuyên suốt, tăng cường thời lượng tuyên truyền về cuộc thi, tài liệu phục vụ cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, có thể đưa việc tổ chức cuộc thi là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm về công tác PBGDPL.
TP cũng cần quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa công tác này để đảm bảo nguồn kinh phí, từ đó kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức và tham gia hưởng ứng cuộc thi để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.