Đến nay, sau hơn 01 năm triển khai, nguồn vốn ý nghĩa này đã giúp nhiều người có quá khứ lầm lỡ làm lại cuộc đời, tạo động lực giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.
Những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên sau những ngày tháng lầm lỡ. Song, hành trình hướng thiện của họ là những ngày đầy khó khăn khi đối mặt với định kiến xã hội và tìm kiếm việc làm không hề đơn giản. Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người CHXAPT ra đời đã kịp thời giải quyết những khó khăn trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng của rất nhiều người.
Đến thăm hộ gia đình anh Nguyễn Hữu C (thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang), trở về địa phương sau 2 năm chấp hành án phạt tù, được Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Phú Vang tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền được vay là 90 triệu đồng, anh C cùng vợ mình đã mở quán bán cháo dinh dưỡng để phục vụ bà con trong thôn, xã.
Anh C cho biết: “Trước đây tôi làm nghề tài xế xe tải, trong một lần chở hàng cho khách, do sơ xuất khi điều khiển phương tiện dẫn đến vi phạm gây luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng, tôi rất ân hận vì lỗi lầm trong quá khứ. Sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về tôi gặp nhiều khó khăn do công việc, phải làm lại từ đầu. Vì thế, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với tôi lúc đó rất có ý nghĩa”.
Lãnh đạo NHCSXH làm việc với thị xã Hương Trà về nguồn vốn vay cho người CHXAPT. |
Theo PGD NHCSXH huyện Phú Vang, qua hơn 01 năm triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 15/12/2024, nguồn vốn cho vay đối với người CHXAPT là 920 triệu đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 720 triệu đồng và nguồn vốn địa phương là 200 triệu đồng (ngân sách cấp tỉnh). Dư nợ cho vay đạt 873 triệu đồng với 11 khách hàng còn dư nợ, đạt 95,4% kế hoạch dư nợ được giao.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người CHXAPT tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các phòng ban, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, chủ động phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện.
Theo ông Đoàn Văn Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ, chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một chính sách mới, nhân văn và có ý nghĩa đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương.
Chính sách này đã tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giúp họ có việc làm, thu nhập cho bản thân và đóng góp cho gia đình, xã hội. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, lan tỏa thông điệp tích cực, xóa đi kỳ thị để xã hội đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Việc sử dụng vốn vay theo Quyết định 22 được NHCSXH và các ban, ngành liên quan kiểm tra chặt chẽ, đúng quy định. |
Còn tại thị xã Hương Trà, ngay sau khi Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND thị xã đã chỉ đạo Công an thị xã tích cực phối hợp với PGD NHCSXH thị xã triển khai chương trình cho vay vốn đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương theo đúng quy định. Đặc biệt trong năm 2024, UBND thị xã bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang PGD NHCSXH thị xã để thực hiện cho vay số tiền 500 triệu đồng.
Qua hơn 01 năm triển khai Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người CHXAPT, tính đến đến ngày 30/11/2024, dư nợ chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thị xã đạt 958 triệu đồng, với 12 hộ còn dư nợ. Trong đó dư nợ nguồn vốn trung ương là 385 triệu đồng với 5 khách hàng còn dư nợ, dư nợ nguồn vốn địa phương là 580 triệu đồng với 7 khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn cho vay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người lao động sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tái hòa nhập cộng đồng, góp phần cho người lao động có việc làm ổn định hòa nhập với cuộc sống không mặc cảm, tự ti với xã hội, chính sách đã tạo được sự đồng tình, đánh giá cao từ các cấp Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân địa phương, người lao động có ý thức và trách nhiệm cao đối với việc vay vốn như: đầu tư vốn đúng mục đích và sử dụng vốn vay hiệu quả, định kỳ trả tiền lãi, gửi tiền tiết kiệm đúng quy định... Ngoài ra, khi trở về địa phương người lao động đã cố gắng tự tạo thêm việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ tháng 8/2023 đến nay, toàn tỉnh có 121 người CHXAPT tại địa phương được vay vốn với số tiền 10.195 triệu đồng. Để chương trình tín dụng này đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn; chủ động tham mưu phân bổ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của khách hàng. Cùng với đó, các phòng giao dịch của đơn vị sẽ thực hiện các quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các cấp, các ngành và người dân biết để thực hiện và giám sát.