Sau khoảng 5 năm triển khai mô hình “Tăng cường vận động, giáo dục thuyết phục, thỏa thuận trong THADS”, công tác THADS ở tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Thạnh Phú nói riêng đã có nhiều biến chuyển tích cực. Những năm gần đây, số việc thi hành án xong qua vận động, giáo dục, thuyết phục, thỏa thuận, hòa giải để các bên tự nguyện thi hành án luôn chiếm tỷ lệ rất cao, số việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế không nhiều so với số đã thi hành xong. Có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài gần 20 năm đã thi hành dứt điểm; nhiều vụ án có giá trị thi hành lớn nhưng qua vận động, giáo dục thuyết phục các đương sự tự nguyện nên không phải tiến hành cưỡng chế.
Còn tại Sóc Trăng, từ hiệu quả của việc thí điểm mô hình “Tổ vận động THADS” tại huyện Mỹ Xuyên, TP Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu vào năm 2017, hiện nay, Cục THADS tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh triển khai, mở rộng mô hình tổ vận động THADS trên địa bàn toàn tỉnh. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong THADS, năm 2019, Chi cục THADS thành phố Lạng Sơn đã vận động, thuyết phục được 9 vụ việc tự nguyện thi hành án không phải tổ chức cưỡng chế huy động lực lượng. Chỉ có 2 vụ việc cưỡng chế, nhưng nhờ công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục đến khi cưỡng chế đương sự đã giảm đi đáng kể sự chống đối, cản trở việc thi hành án.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS, việc đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thuyết phục, vận động trong thi hành án là một trong những giải pháp được nhiều cơ quan THADS chú trọng. Như ở Gia Lai, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu từ nay đến hết năm 2020, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục tự nguyện thi hành án, nhất là các vụ việc đang có tranh chấp tài sản, có đơn khiếu nại. Đồng thời thực hiện cưỡng chế thi hành án kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp người phải thi hành án có điều kiện nhưng cố tình không tự nguyện thi hành.
Tại Yên Bái, khó khăn chủ yếu cơ quan THADS phải đối mặt là giá trị tài sản thế chấp tại các tổ chức tín dụng thấp hơn nhiều so với số tiền phải thi hành án; đương sự tìm mọi cách để chống đối, trì hoãn... Do vậy, đẩy mạnh tuyên truyền thuyết phục trong thi hành án là giải pháp được Cục THADS tỉnh chú trọng trước thực tế nhiều vụ thi hành án đang bị kéo dài do đương sự tìm mọi cách để trì hoãn. Theo đó, Cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật THADS, hành chính; phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, động viên, thuyết phục người phải thi hành án và thân nhân của họ tự nguyện thi hành án. Tiếp tục phối hợp với trại giam, trại tạm giam thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án nộp để thi hành án.
Từ thực tế trên cho thấy, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động sẽ tác động tích cực đến toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc thi hành án. Tuy nhiên, vận động, thuyết phục trong THADS không phải là việc dễ dàng bởi có rất nhiều trường hợp chây ỳ, lẩn tránh nghĩa vụ phải thi hành, bỏ đi địa phương khác... Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của công tác dân vận trong THADS, các cơ quan THADS cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, mỗi công chức, chấp hành viên cần chú trọng bám sát tình hình thực tiễn cơ sở để nắm bắt suy nghĩ, nguyện vọng của người phải thi hành án, kiên trì thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành. Từ đó, giúp quá trình thi hành án được giải quyết nhanh gọn, tiết kiệm chi phí và công sức. Cùng với đó, các cơ quan THADS cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... Có như vậy, khi buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, cơ quan THADS sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ quần chúng nhân dân nên sẽ ít gây ra các sự việc phức tạp, kéo dài.