Nhằm giảm thiểu khó khăn trong quá trình khai thác hải sản của ngư dân tại vùng biển Quảng Ninh, năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã triển khai thực nghiệm mô hình khai thác mực bằng lồng bẫy tại huyện Cô Tô với quy mô 100 lồng/hộ tham gia.
Khai thác hải sản bằng lồng bẫy sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển |
Xuất phát từ tình hình thực tế nguồn lợi hải sản hiện nay đang suy giảm nghiêm trọng do phần lớn lượng tàu nhỏ khai thác ven bờ và sử dụng ngư cụ không có tính chọn lọc cao, thậm chí mang tính huỷ diệt như khai thác bằng thuốc nổ, châm điện... đồng thời từ những khó khăn trong quá trình khai thác của ngư dân tại vùng biển Quảng Ninh, nơi địa hình có rất nhiều đảo, bãi rạn tự nhiên, là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: Các loại cá, mực ống, mực nang, tôm hùm, cua, ghẹ... đặc tính của những loài hải sản này là sống ở chân rạn, đá, gốc chà... nên việc khai thác bằng các loại nghề thông thường như kéo, vây, rê... rất khó khăn, với ngư dân khai thác còn dễ gặp nguy hiểm.
Từ những khó khăn của ngư dân và tình hình khai thác hải sản gây ảnh hưởng tới môi trường biển, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ninh đã nghiên cứu và áp dụng mô hình khai thác mực bằng lồng bẫy, qua thực tế áp dụng mô hình này đã cho kết quả khá tốt, cách khai thác này góp phần giảm thiểu sự huỷ hoại tài nguyên, môi trường biển, được biết từ một hộ gia đình ông Bùi Văn Điển, xã Đồng Tiến đã áp dụng mô hình khai thác mực bằng lồng bẫy cho biết; Tháng 6-2009, với sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm, gia đình ông sử dụng một tàu đánh bắt có công suất 44CV để khai thác hải sản, ông Điển đã đầu tư trang bị vật tư ngư cụ, thiết bị lồng bẫy theo mô hình Trung tâm và tiến hành khai thác liên tục trên các ngư trường đảo Cô Tô, Má Cháu, Sậu, Đuôi Chuột… kết quả qua 5 tháng khai thác ông đã đánh bắt 79 mẻ, đạt sản lượng 2.027kg, năng suất bình quân 25,66kg/mẻ, mỗi tháng trả lương công nhân (3 người) gia đình ông có lãi hơn 8 triệu đồng/tháng, bên cạnh đối tượng được khai thác chính là mực nang thì ông cũng đã thu được số lượng lớn các loại thủy sản có giá trị khác như ghẹ, cá đáy...
Từ thực tế hộ gia đình ông Bùi Văn Điển và một số hộ tham gia áp dụng khai thác bằng bẫy lồng, đã cho thấy đây là mô hình khai thác này có khá nhiều ưu điểm như: Dễ làm, thân thiện với môi trường, có tính chọn lọc cao, đầu tư ban đầu không quá lớn, đem lại hiệu quả kinh tế với ngư dân và chính là cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác mang tính bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản