Sau gần 2 năm thi hành Luật Thi hành án dân sự (THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành, một số vướng mắc, bất cập đã nảy sinh nhưng chưa được các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ.
Hiểu nước đôi về rút hồ sơ THADS
Theo Điểm g, Khoản 2, Điều 35 Luật THADS thì Cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan THADS cấp huyện (quy định tại Khoản 1 Điều 35) mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành.
Tuy nhiên, do cụm từ “thấy cần thiết lấy lên để thi hành” nên đã xuất hiện những cách hiểu và áp dụng khác nhau về việc thế nào là cần thiết để lấy lên thi hành!
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy phân tích, có quan điểm cho rằng trong quá trình cơ quan THADS cấp huyện tổ chức THA gặp khó khăn, vướng mắc thì đề nghị cơ quan THADS cấp tỉnh hỗ trợ nghiệp vụ rút lên để thi hành. Quan điểm khác lại cho rằng cơ quan THADS cấp tỉnh thấy có vướng mắc sẽ rút lên để tổ chức thi hành. “Các quan điểm này còn nhiều ý kiến, chưa có sự thống nhất”, ông Thủy nói thêm.
Bên cạnh đó, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về thủ tục rút hồ sơ THA nên có những cách làm khác nhau. Đơn giản là cơ quan THADS cấp tỉnh chỉ cần ra quyết định rút hồ sơ THA và tiếp tục tổ chức thi hành. Phức tạp hơn thì cơ quan THADS cấp huyện phải làm văn bản đề nghị cấp tỉnh rút lên THA, được cấp tỉnh đồng ý, cơ quan THADS cấp huyện phải ra quyết định thu hồi quyết định THA rồi trên cơ sở ấy, cơ quan THADS cấp tỉnh ra quyết định THA mới.
Cùng với những vướng mắc về thủ tục rút hồ sơ THA, đối với những vụ việc cơ quan THADS cấp huyện đang tổ chức thi hành và đã tống đạt các quyết định về THA… khi cơ quan THADS cấp tỉnh rút lên sẽ phải ra quyết định thi hành mới và tổ chức THA từ đầu, dễ dẫn tới chồng chéo, rườm rà về thủ tục THA.
Khó khi áp dụng biện pháp cưỡng chế
Luật THADS và Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ đã quy định về trình tự, thủ tục và các biện pháp cưỡng chế thi hành án, như việc Chấp hành viên phải lập được kế hoạch cưỡng chế theo Điều 72 của Luật. Tuy nhiên, Luật THADS chưa có quy định cụ thể về thành phần tham gia kê biên đối với việc kê biên tài sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nên gây ra khó khăn cho Chấp hành viên khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Không những thế, Luật THADS có nhiều quy định mới về việc cưỡng chế, bao gồm thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải THA; kê biên, sử dụng khai thác quyền sở hữu trí tuệ; kê biên vốn góp; cưỡng chế khai thác đối với tài sản để THA. Có điều, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu trên còn gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên Chấp hành viên, cơ quan THADS chưa mạnh dạn thực hiện.
Một thực tế nữa là Chấp hành viên đang phải “vi phạm” quy định về thời hạn tại Điều 69 Luật THADS. Điều này nêu rõ, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định “Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng về tài sản”, Chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Một lãnh đạo cơ quan THADS địa phương lý giải: Tài sản có thể là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác, cho nên trước khi kê biên Chấp hành viên phải áp dụng quy định tại Điều 74 Luật THADS, nghĩa là phải thông báo cho các chủ sở hữu chung khác trong thời gian 30 ngày để các đồng sở hữu tự phân chia hoặc khởi kiện ra Tòa án nhằm xác định phần sở hữu, do đó không thể áp dụng trình tự thời gian theo Điều 69.