Không chỉ xe tải Van một thời điêu đứng vì thân phận “nửa nạc, nửa mỡ”, giờ đây dòng pick-up cũng chung số phận khi cũng là pick-up, song có địa phương áp mức lệ phí trước bạ (LPTB) 2%, có địa phương “áp” tận 15% - 20%, thậm chí trong cùng một tỉnh hoặc thành phố, mức thu LPTB cũng khác nhau. ..
Kêu cứu
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa phát đi một văn bản “kêu” về tình trạng áp mức lệ phí trước bạ không thống nhất giữa các địa phương trên cả nước đối với dòng xe pick- up.
Theo đó, hiện tại dòng xe pick-up chở hàng (tên nêu trong các văn bản hướng dẫn về LPTB của Tổng cục thuế) hay xe ô tô tải (pick up cabin kép) (tên ghi trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Cục đăng kiểm Việt Nam) của một số thành viên VAMA, như Toyota Hilux, Ford Ranger, Misubishi Triton, Isuzu D-Max… vẫn đang bị áp mức LPTB không thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại Hà Nội, LPTB áp cho các mẫu xe này là 2% (là mức áp dụng cho xe tải); trong khi đó tại TP HCM và một số tỉnh khác, mức LPTB được áp dụng cho cùng mẫu xe đó trong khoảng 10% - 20% (là mức áp dụng cho xe chở người). Thậm chí, có một thực tế là trong cùng một tỉnh hoặc thành phố, mức thu lệ phí trước bạ cũng khác nhau.
Trong khi đó, VAMA dẫn chứng, theo Tiêu chuẩn Việt Nam, dòng xe này phù hợp với 5 tiêu chí về xe pick up chở hàng/ô tô tải được quy định tại Mục 3.2.7. & 3.2.8 của Sửa đổi 2: 2010 TCVN 7271: 2003 về việc phân loại các phương tiện giao thông mà Cục Đăng Kiểm lấy làm căn cứ phân loại kiểu loại xe. Mặt khác, trong “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp cho các mẫu xe này, mục “Loại phương tiện (Vehicle’s type)” ghi là “Ô tô tải (Pick up cabin kép)”. Đồng thời, khi nhập khẩu về Việt Nam, thuế suất thuế nhập khẩu của các dòng xe này ở mức 5% theo CEPT, là mức áp dụng cho xe ô tô tải.
VAMA khẳng định: “Điều này không chỉ gây hoang mang và ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng muốn sở hữu dòng xe chở hàng này do mức thu LPTB với cùng một dòng xe lại khác nhau ở các tỉnh, thành phố trên cả nước mà còn gây khó khăn cho các DN sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực ô tô.”
Vì đâu nên nỗi?
Lý lẽ của các cơ quan thuế địa phương đang áp dụng mức LPTB 10-20% đối với loại xe này chính là Công văn 2824/BTC-TCT ngày 5/3/2012 của Bộ Tài chính giải đáp chính sách về LPTB. Theo văn bản này, Bộ Tài chính hướng dẫn “các loại xe ô tô quy định tại Khoản 5, Điều 6, Chương II, Thông tư số 124/2011/TT-BTC thuộc diện chịu LPTB từ 10% đến 20% gồm: Ô tô chở người, ô tô Pick up chở người và ô tô Van chở người có số chỗ ngồi bao gồm cả lái xe từ 4 chỗ ngồi đến dưới 10 chỗ ngồi.”
Chiếu theo nội dung này thì rõ ràng các loại xe pick-up cabin kép có từ 4 chỗ ngồi đến dưới 10 chỗ ngồi và việc nhiều cơ quan thuế địa phương áp dụng mức LPTB 10-20% cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Công văn 2824/BTC-TCT của Bộ Tài chính cũng chỉ diễn giải lại Thông tư 124/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính về LPTB. Nếu “truy” ngược thì Thông tư 124/2011/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về LPTB.
Tại Khoản 5, Điều 7, Chương 2, Nghị định này quy định: “5. Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô mức thu là 2%. Riêng: Ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp LPTB theo mức từ 10% đến 20%. Căn cứ quy định mức thu lệ phí trước bạ tại khoản này, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu lệ LPTB đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.
Rõ ràng, Nghị định 45/2011/NĐ-CP không có một chữ nào đề cập đến “ô tô Pick up chở người” hay “ô tô Van chở người” nộp LPTB theo mức từ 10% đến 20%. mà những cụm từ này đã được Bộ Tài chính “hướng dẫn” thêm tại Thông tư 124/2-11/TT-BTC (!?)
Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện xe tải Van mà trước đây báo Pháp luật Việt Nam phản ảnh. Tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ KH&CN, Bộ GTVT cho rằng đó là xe tải thì Bộ Tài chính lại gọi đó là “ô tô chở người” và sự không thống nhất trong việc áp thuế cũng là điều dễ hiểu.
VAMA cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định sản xuất, kinh doanh, VAMA đã “thuyết phục” được một số địa phương áp dụng mức LPTB 2% như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Bình Dương (thị xã Dĩ An). “Các tỉnh và thành phố còn lại trên cả nước vẫn từ chối áp dụng mức thu này vì cho rằng các văn bản hướng dẫn chưa đủ rõ ràng” - VAMA cho biết.
Chính sách không rõ ràng và DN phải đi “thuyết phục”– đây là điều các cơ quan chức năng cần phải suy nghĩ.
Thanh Lan