Theo Nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai có hiệu lực từ 20/5, các công trình lưu trú du lịch xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp sổ hồng theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh BĐS.
Thời hạn sử dụng quy định trong sổ hồng không quá 50 năm. Riêng với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, thuộc địa bàn có điều kiện KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn, thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm. Đây được xem là bước tiến “cởi trói” pháp lý cho hai loại BĐS điển hình condotel và officetel.
Tuy nhiên, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung việc cấp giấy chứng nhận không chỉ cho căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) mà còn cho căn hộ dịch vụ (serviced apartment), căn hộ cửa hàng (shophouse khối đế), nhà phố nghỉ dưỡng (shophouse biển) và khái quát chung là các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ. Lý do HoREA đưa ra đề xuất này là để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về phạm vi điều chỉnh của pháp luật.
HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền ưu tiên của người sử dụng đất (SDĐ) được gia hạn SDĐ khi hết thời hạn SDĐ trong trường hợp cơ quan nhà nước thẩm quyền không thay đổi mục đích SDĐ của thửa đất, khu đất theo quy hoạch; nhằm giúp người SDĐ có thời hạn yên tâm.
Ngoài ra, HoREA còn đề nghị xem xét có cơ chế đặc thù để cấp lại sổ hồng với thời hạn sở hữu căn hộ du lịch (condotel) gắn liền với quyền SDĐ. Thời hạn sẽ căn cứ theo thời hạn của dự án, tối đa không quá 50 năm, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng và chủ đầu tư dự án condotel.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, với Nghị định 10, hiện Sở TN&MT cấp tỉnh đã có đủ căn cứ pháp luật để cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, tháo gỡ được vướng mắc cho công tác cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch và căn hộ văn phòng.
Tuy nhiên, Nghị định số 10 chỉ quy định cấp giấy chứng nhận với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định pháp luật về du lịch trên đất thương mại dịch vụ nên phạm vi điều chỉnh khá hẹp. Vì vậy, cần khái quát hóa việc cấp giấy chứng nhận với tất cả các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ để thống nhất việc quản lý, cũng là tạo sự công bằng giữa các loại hình BĐS mới có sự tương đồng về chức năng và pháp lý với nhau.
Theo ông Châu, nếu khái quát các quy định pháp luật, sẽ tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận bình đẳng cho rất nhiều loại hình BĐS mới xuất hiện trong vòng một thập kỷ qua gồm: officetel (căn hộ văn phòng), condotel (căn hộ du lịch), shophouse biển (nhà phố du lịch), serviced apartment (căn hộ dịch vụ), shophouse khối đế (căn hộ thương mại) và cả hometel (nhà ở kết hợp khách sạn).
Đây đều là nhóm BĐS không hình thành đơn vị ở, có chức năng thương mại, dịch vụ và lưu trú. Làm được điều này sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho người mua lẫn các DN (chủ đầu tư) đang phát triển các dự án thương mại dịch vụ khắp cả nước.
Đại diện HoREA ước tính, đến quý I/2023 có hơn 100.000 sản phẩm xếp vào nhóm BĐS mới đang chờ được cấp sổ hồng, nhiều nhất trong số này là hơn 83.000 căn condotel. Gỡ được “nút thắt” pháp lý này rất cần thiết vì có thể giúp giảm áp lực tâm lý cho thị trường BĐS thương mại và nghỉ dưỡng vốn đang trầm lắng và bế tắc nhiều năm nay.
Xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 2014 và bùng nổ từ năm 2016, condotel, officetel từng tạo nên các “cơn sốt” trên thị trường. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, vấn đề pháp lý của các các loại hình BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu nổi lên và gây tranh cãi tại nhiều hội thảo, cũng như diễn đàn Quốc hội. Điều băn khoăn nhất của nhà đầu tư là thời hạn sở hữu và khả năng được cấp sổ của những căn hộ, biệt thự này.
Thống kê của HoREA, ở phân khúc officetel, shophouse, riêng tại TP HCM hiện có 10.019 căn chưa được cấp sổ.