Nhu cầu nhập khẩu lớn
Ông Lê Thái Hòa - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, Hiệp định thương mại Việt Nam và Israel (VIFTA) đã kết thúc sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Hiệp định này dự kiến sẽ được ký kết ngay trong năm 2023, nhằm chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Đây được coi là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia ở khu vực Tây Á (Trung Đông).
Theo ông Hòa, mặc dù dung lượng thị trường Israel khá khiêm tốn với quy mô dân số xấp xỉ 9,7 triệu người nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel rất phát triển. Nhu cầu nhập khẩu của Israel khá lớn, vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này đạt 106 tỷ USD. Năm 2022, thu nhập đầu người đạt xấp xỉ 55.000 USD.
Hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Israel gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô... Về nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, cụ thể bao gồm các mặt hàng như: lương thực thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giầy dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm…
Doanh nghiệp (DN) Israel kinh doanh năng động, thích ứng nhanh với biến động thị trường, làm ăn khá bài bản và nghiêm túc, giao dịch nhanh, luôn chủ động tìm kiếm đối tác bạn hàng qua nhiều kênh khác nhau, có nhu cầu đa dạng và sức mua ổn định, khả năng thanh toán cao và cơ bản sòng phẳng, sẵn sàng đặt cọc hoặc trả tiền trước, thích gặp gỡ trực tiếp đối tác bạn hàng và đến tận nơi xem hàng hóa tại nhà máy sản xuất, thường tiếp cận đối tác cung cấp riêng biệt theo nhóm lẻ và tránh đi theo nhóm đông, muốn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất và không muốn qua trung gian.
Ông Hòa cũng lưu ý, DN Israel muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng, để mang về đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay sau khi mua hàng.
Bàn đạp đưa hàng Việt đi xa
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP HCM cho biết, DN dệt may trong nước đã có bước chuẩn bị cho VIFTA ngay từ khi 2 nước bắt đầu đàm phán. Theo đó, hiện các DN đã kết nối với đối tác Ấn Độ, Pakistan để tìm hiểu nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp với nhu cầu và văn hoá tiêu dùng của thị trường Israel để có thể tận dụng ngay khi hiệp định được thực thi và có đơn hàng xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, đây là thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao. Dù là nước có quy mô dân số nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để DN thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel nằm trong top 22 thị trường hàng đầu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Đáng chú ý, theo ông Hòe, không chỉ tại thị trường Israel, khi VIFTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Chủ tịch Hội đồng DN nông nghiệp Việt Nam cũng nhận định, cơ hội cho cho nông sản Việt Nam sau khi VIFTA có hiệu lực rất lớn. Bởi DN Việt Nam có thể coi thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân... Ngoài ra, Israel là cửa ngõ vào UAE, trong khi UAE là cửa ngõ đi ra toàn cầu.
“Đến và chạm vào UAE đồng nghĩa với nông sản của Việt Nam có cơ hội đi ra thế giới. Các nhà buôn lớn đều đến UAE, Dubai, đến các chương trình lớn như Gulfood, Expo để giao thương, nhập lượng hàng hóa lớn về đất nước của họ” - bà Hằng chia sẻ.
Theo bà Hằng, nông sản Việt có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel và Trung Đông, đầu tiên phải kể đến là mặt hàng gia vị. Bởi lẽ, hàng năm các thị trường này tiêu thụ mặt hàng này rất lớn. Trước đây các mặt hàng gia vị Việt như quế, hồi, hạt tiêu cũng đã xuất khẩu sang thị trường Trung Đông rất nhiều, nhưng do chưa đàm phán được FTA nên chịu thuế suất cao. Tiếp theo sẽ là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng (như thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giầy dép các loại…).
Tuy nhiên, bà Hằng gợi ý, việc phân chia và định vị phân khúc hàng trong nhóm thị trường Trung Đông rất rõ ràng. Trong đó, UAE sẽ là thị trường tiêu thụ phân khúc hàng cao cấp lớn nhất, các thị trường như Israel, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ sẽ tiêu dùng các mặt hàng trung cấp và thấp cấp.