Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là Hiệp định thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ Công Thương cho biết, sau 4 năm thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%. Ở chiều ngược lại, hàng hoá xuất khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 40%.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, nếu như năm 2019, khi Hiệp định bắt đầu đưa vào thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ trên 35 tỷ USD, đến nay xuất khẩu sang EU đã đạt trên 51 tỷ USD năm 2023. Kết quả này cho thấy, thông qua giai đoạn thực thi Hiệp định, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 17 của EU và là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN.
Có thể thấy, EVFTA không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam mà EVFTA còn tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư EU.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), hiện EU là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam, với 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án trên cả nước. Năm 2023, bất chấp làn sóng sụt giảm FDI trên toàn cầu, 9 tháng đầu năm, các “đại bàng” EU bổ sung 800 triệu Euro vào thị trường Việt Nam.
EU là một trong 5 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ...).
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương, tính đến 20/5/2024, tổng FDI của EU tại Việt Nam đạt 29,88 tỷ USD (không tính đầu tư qua bên thứ 3).
Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, EU luôn là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hiện Việt Nam xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 12-15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Quan trọng hơn, đây là thị trường với quy mô, dung lượng rất lớn và với tiềm lực về khoa học công nghệ, tiềm lực quản lý cũng rất lớn. Dù vậy, trong thời gian qua, bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi đối với quá trình thực thi Hiệp định.
Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham cũng chỉ rõ một số trở ngại mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa EVFTA, như các vấn đề liên quan yêu cầu pháp lý, công nhận các tiêu chuẩn quốc tế, nhận thức về thỏa thuận, thủ tục thông quan, các rào cản kỹ thuật đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái, nếu Việt Nam có thể thu hút được vốn đầu tư từ EU một cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới thì sẽ có cơ sở rất tốt để thiết lập chuỗi cung ứng mới, tham gia vào mạng lưới toàn cầu với tiêu chuẩn cao.
Cũng theo Vụ trưởng Lương Hoàng Thái, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển theo những xu hướng trên thế giới, như chuyển đổi xanh, chuyển đối số và tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đã manh nha trở thành một nơi được các nhà đầu tư quốc tế coi là công xưởng của thế giới, Việt Nam đang cố gắng ở một vị thế là làm sao chúng ta tham gia được vào chuỗi cung ứng mới này.
Vì vậy, EVFTA là một cơ chế rất tốt để Việt Nam và EU cùng thúc đẩy tham gia xây dựng những khuôn khổ mới vừa nêu và đây cũng là động lực để Việt Nam phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững ở những lĩnh vực có tiêu chuẩn cao hơn, chứ không phải ở những ngành đơn giản chỉ làm lắp ráp như trước đây.