Sự kiện đã thu hút hơn 150 khách mời tham gia gồm Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các vụ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Được biết, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực trù phú với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như: Chợ nổi, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước… cùng văn hóa truyền thống, những sản vật địa phương đặc sắc.
Các địa phương trong vùng đã tham gia cơ chế chính sách phát triển du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng năng lực cạnh tranh của các điểm đến và du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch ĐBSCL với du khách trong và ngoài nước.
Riêng TP Cần Thơ, với điều kiện hạ tầng giao thông đồng bộ, đường hàng không, đường thủy thuận lợi là điểm đến kết nối du khách. Theo đó, Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, hiện vùng ĐBSCL chưa thu hút được nhiều du khách và khai thác triệt để hết tiềm năng vốn có bởi nhiều lý do: sản phẩm du lịch cũ, trùng lặp, chưa tạo ra được những điểm nhấn mới. Như vậy, thông qua sự kiện lần này, các đơn vị tham gia sẽ cùng thảo luận, hiến kế nhằm làm mới du lịch ĐBSCL, phát huy những giá trị đặc trưng riêng từng tỉnh, đưa ra những giải pháp thu hút khách du lịch hậu dịch Covid.
Du lịch Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá, TP Cần Thơ đã và đang thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tập trung phát triển các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch, dịch vụ trải nghiệm mới giúp du lịch ĐBSCL hấp dẫn hơn.
“Hội thảo lần này sẽ là cơ hội cho các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi, nêu giải pháp, chiến lược thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và các ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện nay, do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường du lịch quốc tế chưa thể phục hồi, thị trường du lịch trong nước cần sự quan tâm. Trong đó, hoạt động kích cầu, kết nối du lịch ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất cần thiết, giúp sớm phục hồi ngành du lịch của vùng sau dịch bệnh”, ông Hiển nhấn mạnh.
Theo đó, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng công bố các chính sách, chương trình liên kết với ĐBSCL. Nhóm doanh nghiệp Vinpearl – Vinwonder, Vietjet, Saigontourist cũng đưa ra các chương trình liên kết với nhau, công bố các điểm lưu trú, đường bay, tuyến tour mới để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cụ thể, Vietjet tung ra các đường bay mới kết nối với Cần Thơ, Phú Quốc; Saigontourist cũng công bố 5 tuyến tour mới đến ĐBSCL.
Qua các chương trình liên kết, hoạt động cam kết giữa các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp du lịch tại Hội thảo, hứa hẹn sẽ tạo ra những bước đột phá trong việc phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL.