Theo đó, Quyết định 150/2004 đã phần nào không phù hợp với thực trạng phát triển của thành phố, dự thảo mới đã bổ sung thêm suối, mương và hồ công cộng và xác định hành lang của chúng để bảo vệ. Cụ thể, các sông, suối, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy thì vẫn giữ nguyên hành lang bảo vệ từ 20-50m mỗi bên, tùy cấp độ sông, suối, kênh, rạch.
Tuy nhiên, các sông, suối, kênh, mương có chức năng thoát nước thì dự thảo chia nhỏ ra thành nhiều nhóm tùy theo bề rộng của chúng và xác định hành lang là 5-10m mỗi bên (thay vì đóng khung 10m mỗi bên như quy định hiện hành). Đối với nhóm này, dự thảo bổ sung thẩm quyền của UBND quận, huyện căn cứ vào thực tế được xác định hành lang phù hợp nhưng tối thiểu phải là 1,5m mỗi bên.
Nhà giáo Nhân dân Lê Kế Lâm cho rằng, cần phải có tầm nhìn xa hơn và đưa ra được khoảng cách của hành lang bảo vệ một cách khoa học dựa trên tính toán cụ thể chứ không căn cứ vào bề rộng của sông, kênh, rạch... Ông cũng cho rằng cần phải có chính sách cụ thể để đảm bảo việc người dân không xả rác ra sông, xem xét lại các bến thủy nội địa lấn sông để trả lại nguyên trạng cho các dòng sông. Đồng thời cơ quan chức năng phải cân nhắc thật kỹ việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng hai bên sông Sài Gòn vì nền đất yếu...
Một nội dung trong dự thảo được nhiều người quan tâm đó là về thời hạn tồn tại của nhà dân trong hành lang bảo vệ và đưa ra các giải pháp xử lý. Theo đó, nếu đất ở trong hành lang mà người dân sử dụng trước ngày 24/6/2004 thì được xem xét cấp sổ đỏ. Nếu trên đất này mà chưa có nhà, đất không vướng dự án chỉnh trang đô thị, không bị giải tỏa thì UBND các quận/huyện xem xét cấp phép xây dựng cho người dân.
Đối với nhà nằm trên sông, kênh, rạch, mương và hồ công cộng có trước ngày 24/6/2004 thì được tồn tại và cải tạo theo nguyên trạng trong khi chờ di dời. Nếu nhà trong hành lang có trước 24/6/2004 thì được tồn tại theo hiện trạng và được sửa chữa, cải tạo theo hiện trạng, đặc biệt thay bằng kết cấu mái tôn/ngói, tường gạch…
Về vấn đề này, kỹ sư Hà Ngọc Trường cho rằng đây là điểm tiến bộ của dự thảo, sát với tình hình thực tiễn hơn. Bởi lẽ trên thực tế có không cho thì người dân vẫn làm. Tạo điều kiện cho người dân có thể sử dụng đất mà người dân có từ lâu nhưng cần có quy định về công trình cụ thể và cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm... Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng phải xem xét lại quy định về cách tính mốc thời gian cho phù hợp.
Dự thảo còn bổ sung thêm một số công trình khác được xây dựng trong hành lang như nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh khu giữ xe công cộng, du lịch đường thủy phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, một số công trình có thời hạn phục vụ triển lãm, khu vui chơi, giải trí ngoài trời, các điểm cà phê, các điểm kinh doanh phục vụ du lịch cũng được xây dựng trong hành lang này và phải tháo dỡ, không bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Các đại biểu còn nêu ý kiến bổ sung rất nhiều về từ ngữ mới trong dự thảo, kiến nghị bổ sung các luật còn thiếu để dự thảo có thể hoàn thiện hơn. Những ý kiến trong hội nghị sẽ được báo cáo với UBND TP HCM để tổng hợp và đưa ra một dự thảo hoàn chỉnh nhất.