Nhà thơ, Nhà văn hoá Ngô Đức Hành: Hòa Bình phải chứng minh là cái nôi văn hoá của người Việt cổ
Văn hoá Hòa Bình phải được nhìn nhận với những giá trị có nội hàm bao gồm văn hoá vật thể và phi vật thể. Văn hoá Hoà Bình đã xuất hiện 18 ngàn năm trước công nguyên. Đến nay, rất nhiều hang động còn lại cho thấy những dấu tích văn hoá của người xưa và nếu phát triển được thì đó là điều tuyệt vời.
Nhà thơ, Nhà văn hoá Ngô Đức Hành |
Theo tôi, phía chính quyền Hòa Bình cần làm sao khai thác được dư địa Hòa Bình, đề cao các yếu tố văn hoá và đưa văn hoá vào trong kiến trúc, trong quy hoạch.
Đơn cử các dự án bất động sản phải có giá trị của Hòa Bình. Bài học Sa Pa chính là sự lai ghép văn hoá, sự đổ vỡ của văn hoá. Do đó, Hòa Bình phải phát huy giá trị văn hoá riêng biệt của địa phương. Hòa Bình phải chứng minh là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, văn hoá của người Mường. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, cần tạo ra một hệ giá trị mới trong văn hoá ra sao để có điểm khác biệt với các địa phương trong vùng.
Xin khẳng định, giá trị, yếu tố văn hoá của địa phương chính là thông điệp và là điều cần được đưa vào là thành tố cạnh tranh trong thị trường bất động sản Hòa Bình.
Trước đây chúng ta nhắc nhiều đến phát triển bền vững, đến nay là phát triển xanh nhưng suy cho cùng, môi trường là văn hoá. Tôi đi nhiều nơi của Hòa Bình, những vấn đề ý thức và quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề.
Theo đó tôi cho rằng, quy hoạch phát triển Hòa Bình cũng như kêu gọi đầu tư kinh tế, bất động sản thì địa phương sẽ còn phải bàn nhiều đến câu chuyện văn hoá.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Làm sao cho người dân được hưởng lợi ích thỏa đáng
Tôi xin chia sẻ những vấn đề lớn không chỉ riêng đối với Hòa Bình mà với nhiều địa phương khác:
- Thứ nhất, về vấn đề quy hoạch: Dù nhiều người đã nói nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng vẫn thiếu sót là làm sao liên kết được quy hoạch về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với khu dân cư cũng như về văn hóa dân tộc cũng như đặc trưng của địa phương từng vùng. Điều này chúng ta thua xa nhiều nước phát triển, nhất là nước Pháp. Chúng ta mới quy hoạch chung chung tại những khu du lịch mà chưa có sự liên kết với khu chung quanh. Vì vậy, chúng ta cần cái nhìn tổng thể, toàn diện để các doanh nghiệp có sự liên kết với nhau. Quy hoạch phải tổng thể, phải bền vững và lâu dài.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh |
- Thứ hai, quy hoạch phải tính đến sự phát triển của địa phương, cư dân. Nhiều dự án khó giải phóng mặt bằng vì khó giải quyết mâu thuẫn về việc người dân sẽ được gì sau những dự án được xây dựng. Nếu quy hoạch để phát triển văn hóa, phát triển hạ tầng thì cộng đồng dân cư sẽ ủng hộ ngay song vấn đề đặt ra là sau khi xây dựng, quy hoạch thì họ được gì? Vấn đề quan trọng hơn nữa là quy hoạch rồi thì có làm được không? Nếu trong quá trình xây dựng mà xả thải, gây phiền hà, gây mất an ninh trật tự tại địa phương đó thì sẽ không thể được người dân ủng hộ. Các doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phải tính đến điều đó để sao cho người dân được hưởng lợi ích thỏa đáng. Hòa Bình nên rút kinh nghiệm về điều này.
Đặc biệt, người Mường có những đặc trưng riêng về văn hóa nên cần phải tạo ra sự phát triển cho cộng đồng, địa phương. Phải làm sao để bản làng phát triển bền vững, tạo sự riêng biệt, nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần, tạo ra việc làm cho người dân nơi đây. Từ đó họ thấy được lợi ích và hài lòng với dự án.
Hy vọng trong tương lai, quy hoạch Hòa Bình có sự phát triển tốt hơn, để từ đó doanh nghiệp phát triển, làm sao đạt được phát triển bất động sản bền vững, xanh và sạch.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC: Muốn có trái chín phải phát triển bằng xanh
Tính đến thời điểm này sau 2 năm sống chung với COVID-19, đến giờ chúng ta đã quen với nó và các hoạt động đầu tư kinh doanh đã trở lại. Cùng lắm đến giữa năm 2022, cuối năm sẽ trở lại bình thường.
Về việc phát triển du lịch, theo quyết định của Thủ tướng đã đưa ra 3 khái niệm: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá.
Luật sư Trương Thanh Đức |
Theo thống kê của tôi có 15 loại hình du lịch thì Hoà Bình có 14,5/15 cái mà tôi liệt kê ra bởi lẽ chỉ còn loại hình du lịch biển đảo thì Hoà Bình không có biển nhưng có đảo. So với những nơi không có biển thì Hoà Bình hiện nay đang số 1.
Quan trọng nhất là phát triển du lịch xanh, muốn có trái chín phải phát triển bằng xanh.
Hoà Bình không gắn với phát triển xanh, không gắn với phát triển văn hoá thì không còn thế mạnh nữa. Văn hoá sẽ là đột phá du lịch của Hoà Bình.
TS.KTS. Trần Minh Tùng: Cần khai thác địa thế tựa núi nhìn ra sông
Sức hấp dẫn của các dự án bất động sản có thể nhìn tới mấy yếu tố trong các tầng sau:
Tầng thấp nhất chính là kiến tạo cơ sở vật chất (làm đường, làm quy hoạch) và các tỉnh bắt buộc phải làm để thu hút đầu tư. Thứ hai là xây dựng các dự án bất động sản sẽ thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp.
Tầng thứ hai là kiến tạo cuộc sống của khách hàng, người dân. Hình ảnh cuộc sống mà dự án hướng đến là gì, là sinh thái, là cuộc sống xanh? Tôi nhận thấy, Hoà Bình có thế mạnh hồ lớn rộng thì hoàn toàn có thể thực hiện các dự án sinh thái nghỉ dưỡng mà khó có địa phương nào có thế mạnh đó.
TS.KTS. Trần Minh Tùng |
Khai thác địa điểm tiềm năng và nơi chốn đem đến sự khác nhau giữa các địa phương, đem đến màu sắc riêng cho mỗi dự án. Từ đó có thể phân biệt được Hòa Bình với Bắc Giang, Thái Nguyên... hay các địa phương khác.
Kiến tạo còn bao gồm cảm nhận của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Nếu người dân, khách hàng phải di chuyển rất xa từ Hà Nội lên Hà Giang, Sa Pa mới có thể cảm nhận về thời tiết, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp thì tại Hòa Bình chỉ mất 2 tiếng đã có thể cảm nhận được.
Ngoài ra còn có một yếu tố là phong thuỷ, với Hoà Bình, địa thế tựa núi nhìn ra sông giúp các dự án hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Tầng thứ ba, cuối cùng, tâm lý tiêu dùng, cần phải chú trọng đến cách làm truyền thông kết nối để có thể thấy được sự cầu thị của địa phương trong thu hút đầu tư, là sự lan tỏa của các dự án xanh, sinh thái, dự án tốt tới các khách hàng….
PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên: Đừng kệch cỡm đem văn hóa từ nơi khác về Hòa Bình
Hòa Bình có tiềm năng nổi trội nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác được hết và cũng phát triển chưa xứng tầm địa phương. Cảnh quan thiên nhiên, mặc dù có sự chia cắt nhưng về tổng quan vẫn đem tới thuận lợi. Cùng với đó, văn hoá vùng miền đặc sắc cũng là thế mạnh của Hoà Bình. Có thể khẳng định rằng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ không thể thành công nếu không kết nối được với các yếu tố văn hoá. Bên cạnh đó, các loại cây ăn trái, hoa quả hay cả những văn hoá đặc trưng từ cây thuốc, tâm linh cũng là những yếu tố mà tỉnh hoàn toàn có thể khai thác.
PGS.TS. Hoàng Mạnh Nguyên |
Ngoài ra, Hoà Bình đã có nhiều kết nối tốt nhưng thực chất trong tỉnh vẫn chưa được kết nối đồng bộ. Trong vấn đề quy hoạch, tôi cho rằng quan trọng là quy hoạch bảo tồn, xác định đặc trưng quan trọng của tỉnh để bảo tồn và phát triển là điều cần quan tâm nhiều nhất.
Tôi cũng thấy rất nhiều khu du lịch, dự án nghỉ dưỡng ở Hoà Bình đã chú trọng đến cảnh quan, công nghệ, nhưng nhiều khi lại quên mất những nét đặc trưng văn hoá, kiến trúc của người Mường, người Thái tại Hoà Bình.
Tôi xin nhấn mạnh, những giá trị văn hoá của địa phương cần được quan tâm. Ví như khi thực hiện dự án, việc gắn với văn hoá địa phương sẽ không xảy ra các vấn đề kệch cỡm khi đem văn hóa từ nơi khác về Hòa Bình.
Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc: Ngăn chặn "chảy máu văn hóa"
Đất Xanh Miền Bắc là doanh nghiệp với hơn 3.000 nhân viên môi giới bất động sản, chúng tôi khởi nghiệp đầu tiên cũng là ở Hoà Bình. Sau thời gian hoạt động tại thị trường Hoà Bình, tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản Hoà Bình trỗi dậy, Nhà nước và địa phương cần quan tâm bảo vệ thị trường bất động sản, bảo vệ người môi giới chân chính và các chủ thể khác tham gia vào thị trường.
Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh miền Bắc |
Đối với yếu tố văn hoá, tôi cho rằng chúng ta phải xem lại chính sách, khi văn hoá đang bị "chảy máu" thì phải có chính sách để ngăn chặn việc "chảy máu" này.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land: “Nút thắt” nào cản trở sức hấp dẫn?
Giá đất đang được người dân đẩy lên quá cao. Đó là một vấn đề chúng tôi đang gặp phải khi vào thị trường Hòa Bình.
Ngoài ra, chúng tôi còn thấy rằng nghỉ dưỡng Hòa Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Rất khó để tìm thấy 1 villa triệu đô được bán ra tại Hòa Bình. Những doanh nghiệp lớn "nhảy" vào thị trường này cũng chưa có nhiều. Câu hỏi đặt ra là “nút thắt” nào khiến sức hấp dẫn tại đây lớn như thế mà không thu hút được nhiều nguồn đầu tư?
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land |
Một vấn đề chúng toi cũng rất quan tâm là câu chuyện tổng thể quy hoạch. Hiện nay Tam đảo, Sa Pa đều ngổn ngang. Vậy Hòa Bình có như vậy hay không? Nếu Hòa Bình dần mất đi các nét văn hóa, xây dựng các dự án nhỏ lẻ thì khác nào cũng sẽ đi vào lối mòn này.
Một nút thắt tiếp theo là có rất nhiều doanh nghiệp “xếp lốt”, có đất ở Hòa Bình, nhưng nhiều năm không triển khai. Vì vậy, chúng tôi có muốn "nhảy" vào cũng rất khó.
Tuyến đường Láng Hòa lạc đi đến Hòa Bình là một tuyến đường rất đẹp nhưng hiện nay chúng ta gần như đang bỏ ngỏ. Vì vậy, theo tôi, chúng ta nên có những quy hoạch khu vực xung quanh sẽ có sự thu hút rất lớn với các nhà đầu tư.
Dưới góc độ một doanh nghiệp đầu tư chúng tôi cũng mong muốn dễ dàng được tiếp cận các thông tin từ tỉnh Hòa Bình để thuận tiện trong việc tham gia vào phát triển dự án tại đây.