Đầu tư, sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại
Thời gian qua, nhờ áp dụng phương pháp quản lý hải quan tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hiện đại, cơ quan Hải quan đã bảo đảm thực hiện công tác quản lý hải quan trong bối cảnh biên chế không tăng nhiều mà khối lượng công việc tăng cao. Đồng thời, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan bằng trang thiết bị đã giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan…
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, tính đến hết năm 2022, ngành Hải quan đã đầu tư, trang bị, bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều loại trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại địa bàn các khu vực có lưu lượng xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh làm thủ tục lớn.
Toàn ngành đã hoàn thiện bàn giao bổ sung 12 máy soi container di động trong năm 2022, đưa số lượng máy soi container vào sử dụng lên đến 27 máy các loại tại các địa bàn Cục Hải quan các địa phương: TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh. Cùng với đó là 98 máy soi hành lý, hàng hóa được trang bị, đưa vào sử dụng tại địa bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng hàng không sân bay quốc tế, cảng biển phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, soi chiếu hành lý, hàng hóa của người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Hệ thống camera giám sát được ngành trang bị, đưa vào sử dụng 125 hệ thống camera giám sát tại các chi cục hải quan thuộc 34 Cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hải quan tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng cạn và các khu vực khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan.
Đặc biệt, số lượng phòng quan sát camera được đưa vào sử dụng là 15 phòng tại các Cục Hải quan: Hải Phòng, TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tây Ninh, An Giang, Long An, Quảng Bình để kết nối camera giám sát tại địa bàn các chi cục hải quan phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh, hỗ trợ cấp có thẩm quyền quản lý, chỉ đạo điều hành.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng triển khai công tác giám sát hải quan bằng seal định vị đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan tại các chi cục hải quan thuộc 35 Cục Hải quan, với số lượng 7.000 thiết bị seal định vị điện tử theo phê duyệt tại Quyết định số 350/QĐ-TCHQ của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Riêng năm 2022, Tổng cục Hải quan đã bàn giao bổ sung 5.000 seal định vị điện tử để phục vụ công tác quản lý, giám sát hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan tại tất cả các chi cục hải quan. Cùng với đó, đã có 28 hệ thống cân ô tô được trang bị và đưa vào sử dụng tại các chi cục hải quan thuộc 18 Cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra trọng lượng hàng hóa so với khai báo theo quy định tại Luật Hải quan.
Phát huy hết công suất của máy móc, trang thiết bị
Tuy lợi ích mang lại rất lớn, song theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, việc sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện nay vẫn còn hạn chế như chưa phát huy hết công suất hoạt động của máy soi container; việc luân chuyển, sử dụng seal định vị điện tử giữa các đơn vị cũng như việc hỏng seal chưa được khắc phục, sửa chữa kịp thời để phục vụ công tác giám sát...
Bởi vậy, để đảm bảo công tác quản lý, ngăn ngừa nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, Cục sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan đối với từng địa bàn, từng đơn vị hải quan tổng thể, đồng bộ đảm bảo phù hợp với thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở đầu tư trang thiết bị trong thời gian tới.
Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí về nhu cầu trang bị trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan tại từng địa bàn (đường bộ, đường biển, đường hàng không, cảng cạn) đảm bảo mục tiêu trang bị phù hợp với thực tế...; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan tại Cục Hải quan trong công tác nghiệp vụ hải quan.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy móc trang thiết bị, sẽ hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm nâng cao hiệu quả, tần suất sử dụng và yêu cầu quản lý về hải quan. Khắc phục tình trạng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hoạt động độc lập với hệ thống nghiệp vụ, tập trung tối đa hóa xử lý việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống quản lý phương tiện vận tải đường bộ xuất nhập cảnh gắn với mô hình cửa khẩu số. Trong đó tích hợp các chức năng khai báo thông tin lược khai hàng hóa, giám sát tự động hàng hóa đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan, quản lý hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân biên giới kết nối với máy móc, trang thiết bị tại cửa khẩu như thiết bị nhận diện biển số xe, barie điện tử, cân điện tử, máy soi container, seal định vị điện tử… Đồng thời xây dựng hệ thống quản lý doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất đảm bảo hỗ trợ công chức trong quá trình theo dõi, quản lý hoạt động của doanh nghiệp.