Những hiện tượng nhạc thiếu nhi quốc tế
Mới đây, Baby Shark đã được New York Time xếp hạng đứng thứ 7 trên tổng số 25 ca khúc được bình chọn. Baby Shark thu hút hàng triệu người xem trên toàn cầu, có mặt trong top đầu bảng âm nhạc ở một số quốc gia.
Tại Việt Nam, Baby Shark cũng đã trở thành bài hát quen thuộc của trẻ thơ. Đây được coi là ca khúc thiếu nhi cực kì quan trọng, ca khúc “dỗ trẻ” phổ biến nhất hiện nay. Với giai điệu vui nhộn, đáng yêu, dễ thuộc, bài hát được hầu hết trẻ em yêu thích, kể cả các bé mới qua giai đoạn sơ sinh.
Tuy nhiên, điều thú vị là bài hát này lại là một bài bát dân gian, không rõ nguồn gốc, tương tự ca khúc The Dowie Dens o’ Yarrow và những ca khúc khuyết tên tác giả khác. Thời gian đầu xuất hiện tại một video clip trên youtube với một cái tên khác, bài hát chưa nổi tiếng và chưa được yêu thích như hiện nay.
Sau đó, qua nhiều sự cover, thêm lời đắp chữ, phối lại nhạc từ cộng đồng mạng, Baby Shark có hình hài toàn diện và trở nên nổi tiếng như hiện nay. Đây cũng là một điển hình của “âm nhạc cộng đồng” trong kỉ nguyên nhạc số hiện nay.
Thực ra, Baby Shark là bài hát cực kì đơn giản với ca từ ít ỏi, chỉ vài từ lặp đi lặp lại dạng điệp khúc, nội dung về một gia đình cá mập ở đại dương: Baby Shark, mamy shark, daddy shark... Cộng với giai điệu rộn ràng, dễ nhớ dễ thuộc trên nền nhạc vui tươi, Baby Shark đã được lan truyền với tốc độ “tên lửa” và trở thành bài hát thiếu nhi được yêu thích nhất thế giới hiện nay.
Một trường hợp tương tự Baby Shark là bài hát Meow Meow Meow. Xuất phát từ một giai điệu vui trên một ứng dụng của Trung Quốc, Meow Meow Meow với nội dung chủ yếu là tiếng mèo kêu kèm vài câu dễ thương trên nền nhạc đáng yêu đã nhanh chóng lan đi khắp châu Á, trở thành bài hát được cover nhiều nhất bởi cộng đồng mạng, được giới trẻ và trẻ em toàn châu Á ưa thích. Đến nay, bài hát đã trở thành một thể loại “dân ca trên mạng” với rất nhiều bản phái sinh, tương tự Baby Shark.
Có cơ hội cho thị trường trong nước?
Nói về nhạc thiếu nhi trong nước, những năm vừa qua, thị trường của dòng nhạc này rất trầm lắng. Số lượng bài hát “ra lò” ít ỏi, trong số đó nhạc có chất lượng không nhiều, bài hát phổ biến, được trẻ em yêu thích càng hiếm hoi.
Thực tế, ca khúc cho thiếu nhi không đòi hỏi sự phức tạp ở câu từ hay giai điệu. Nhưng đó là cái dễ mà cũnh chính là “cái khó”, khi với lời ít, với âm nhạc đơn giản thì nhạc sĩ phải cần nhiều tài năng và cả tâm hồn trẻ thơ để cho ra những ca khúc vừa hồn nhiên, giản dị, đúng chất trẻ thơ và khiến trẻ thơ đón nhận, yêu mến.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng lý do khiến ca khúc thiếu nhi không phong phú, ít được đầu tư đúng mức là bởi nó là phi vụ “lỗ vốn”. Khác với ca khúc người lớn được săn đón, được hát bởi các ca sĩ nổi tiếng, dựng MV, trả tác quyền và khiến người sáng tác ra nó nổi danh thì ca khúc thiếu nhi chỉ gói gọn trong một đối tượng, ít ca sĩ thể hiện và cũng không đem lại tiếng tăm hay thu nhập cao cho người sáng tác ra nó.
Bởi thế, nói về mặt động lực, các ca khúc thiếu nhi chỉ là một “cuộc chơi phụ” của những nhạc sĩ có lòng với âm nhạc trẻ thơ và khó mà đòi hỏi ở họ một sự đầu tư đúng mức.
Có một “điểm sáng” cho âm nhạc thiếu nhi để có thể bắt nhịp và đi tới, đó là nhạc quảng cáo. Baby Shark bản gốc chưa hoàn chỉnh thực ra cũng từ một đoạn phim quảng cáo, còn Meow Meow bắt nguồn từ nhạc đệm ứng dụng.
Các nhãn hàng dành cho trẻ hoàn toàn có thể dành sự đầu tư cho những đoạn nhạc quảng cáo dành cho thiếu nhi, chỉ cần một nền tảng hay, đáng yêu với giai điệu độc đáo. Phần còn lại, cộng đồng mạng sẽ tự cover để nó trở thành bài hát thiếu nhi phổ biến.
Hiện nay việc thiếu thốn bài hát đúng tuổi nên nhiều trẻ đã tiếp xúc, thuộc và yêu thích các ca khúc của người lớn. Trong khi đó, các nhạc sĩ chưa bắt nhịp kịp việc tận dụng nhạc số, âm nhạc cộng đồng để tạo ra các bài hát vui nhộn cho trẻ.
Hy vọng, sẽ có những “nhạc sĩ mạng” tâm huyết và khai thác mảng đang bỏ trống này để thời gian tới xuất hiện những bài hát thiếu nhi hấp dẫn, đáng yêu.