Chiều 16/1, tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, Glivec là thuốc điều trị nhắm đích cho bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy - một dạng ung thư máu mạn tính. Hiện có hai nguồn cung cấp thuốc này là từ viện trợ và quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thuốc viện trợ tạm thời đang hết. Vì thế, để phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân, Viện Huyết học đã xin phương án điều chỉnh thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế sang thuốc viện trợ. Dự kiến khi có thuốc viện trợ sẽ lại bù cho thuốc bảo hiểm y tế.
Do đó hiện nay các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân ung thư máu dùng thuốc Glivec với liều ít hơn liều thường ngày. Cụ thể, một bệnh nhân ung thư máu trước đây dùng 3 viên Glivec một ngày, nay giảm còn hai, thậm chí một viên.
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởngHuyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh:C.T. |
Theo tiến sĩ Khánh, đây là loại thuốc không có thuốc thay thế, song bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có khoảng 400- 500 bệnh nhân ung thư điều trị bằng thuốc Glivec. Tình trạng thiếu thuốc Gilvec viện trợ này cũng xảy ra tại một số cơ y tế khác ở TP HCM.
Glivec do tập đoàn Novartis (Thụy Sĩ) sản xuất, giá bán tại Việt Nam một viên thuốc khoảng 400.000 đồng, là chi phí quá lớn với bệnh nhân ung thư. Để giảm gánh nặng cho người bệnh, trước đó Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kết hợp với nhà sản xuất thỏa thuận Novartis viện trợ 60% giá còn bảo hiểm chi trả 40%.
Tuy nhiên, vướng mắc nảy sinh khi nghị định số 54 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, quy định hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo phải đầy đủ như một hồ sơ xin cấp giấy phép lưu hành sản phẩm. Việc thẩm định hồ sơ cũng phải thực hiện đúng trình tự và thời gian theo quy định. Do đó Novartis gặp khó khăn trong việc chuẩn bị và cung cấp hồ sơ để xin phép nhập khẩu thuốc viện trợ, cũng như các vấn đề liên quan tính bảo mật.
Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 12/1, Chính phủ đã đồng ý cho các cơ sở tiếp nhận thuốc viện trợ với hồ sơ nhập khẩu thực hiện theo quy định cũ. Theo đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được tiếp nhận 247.440 hộp Glivec, Bệnh viện Chợ Rẫy 1.888 hộp, Bệnh viện Ung bướu TP HCM 1.603 hộp và Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP HCM 4.804 hộp.
Ngày 16/1, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội và TP HCM, các cơ sở y tế liên quan khẩn trương lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ Glivec gửi cơ quan có thẩm quyền. Cục cũng yêu cầu hai Sở khẩn trương giải quyết hồ sơ đề nghị nhập khẩu thuốc viện trợ đối với các lô thuốc Glivec; giám sát việc nhập khẩu lô thuốc trên và tiến hành hậu kiểm khi đưa vào sử dụng. Đối với thuốc có hạn dùng còn lại ngắn hơn 12 tháng, các bệnh viện được tiếp nhận khi đã được Sở Y tế cấp phép nhập khẩu.
Cục Dược cũng nhấn mạnh, các bệnh viện phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc, chỉ đưa vào sử dụng những thuốc còn hạn dùng và đảm bảo chất lượng. Đồng thời phải có kế hoạch sử dụng và điều chuyển giữa các đơn vị tham gia Chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019, tránh để thuốc hết hạn sử dụng gây lãng phí.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để tiếp nhận nguồn thuốc viện trợ nhanh nhất. Dự kiến chậm nhất hai tuần nữa thuốc Glivec có trở lại.