Đã không có phép màu nào
Trên chặng đường 70km đến Bắc Hà, chúng tôi được hai “thổ địa” là chị Nguyễn Thị Thúy - Phó Giám đốc Sở Tư pháp và anh Vũ Trường Chinh - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Lào Cai làm hoa tiêu cùng đưa hai xe tải hàng gồm 380 suất quà của Báo PLVN mang tới cho bà con đang bị địa hình sạt lở chia cắt. Chị Thúy nói, suốt những ngày qua, cả khu phố nhà chị buồn trĩu bởi gia đình chị ở cạnh nhà anh Tuấn, một trong 5 người bị sập trong nhà Điều hành Thủy điện Đông Nam Á chưa được tìm thấy để gia đình lo hậu sự…
Và rồi bà Nguyễn Thị Nga - Phó Bí thư thường trực huyện Bắc Hà cho biết, ngày 15/9, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 2 nạn nhân cuối cùng mất tích tại Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc là anh Cao Văn Tuấn và anh Nguyễn Trọng Sơn.
Vào lúc 11 giờ ngày 10/9, một cán bộ công an xã Bản Cái, huyện Bắc Hà trong khi đi công tác qua Nhà máy Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc đã phát hiện một số người bị thương đang dìu nhau đi ra từ điểm sạt lở và thông báo vụ việc (do khu vực này đang bị mất sóng điện thoại nên không thể gọi lực lượng cứu hộ).
Ngay sau đó, cán bộ công an này đã chạy bộ 10km ra khu vực có sóng điện thoại để gọi điện về công an huyện thông báo sự việc. Có 5 người mất tích và 1 người bị thương nặng tại vị trí sạt lở. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa lũ sạt lở lớn từ trên sườn núi khiến lượng lớn đất đá tràn xuống nhà điều hành của Nhà máy Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc gây sập.
Trước đó, vụ sạt lở xảy ra vào chiều 9/9 tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc đã khiến 18 người thiệt mạng và mất tích. Công an, quân đội và người dân vẫn đang nỗ lực sử dụng phương tiện cơ giới và chó nghiệp vụ để tìm kiếm 5 người mất tích.
Bên cạnh những vụ sạt lở đáng tiếc, kỳ tích của trưởng thôn đưa cả bản rời đi tránh lũ quét. Nhận thấy nguy cơ sạt lở đất, anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã vận động bà con di chuyển lên một ngọn đồi khác an toàn. Quyết định này đã giúp 115 người dân thoát nạn.
Trước đó, sau 2 ngày mưa liên tục, sáng 9/9 anh Ma Seo Chứ (33 tuổi) - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cùng một số người dân đã đi kiểm tra khu vực đồi bầu. Tại đây, họ phát hiện vết nứt 30 - 40m. Vết nứt trên đỉnh đồi sau nhà lúc này đã sụt xuống khoảng 20 phân. Từ trước đến giờ anh Ma Seo Chứ chưa từng gặp trường hợp này. Thôn Kho Vàng nằm dưới đồi. Những gì nhìn thấy mách bảo Trưởng thôn Ma Seo Chứ phải di dời bà con ngay lập tức.
Ngay trong đêm đó, tại thôn Kho Vàng, mưa như trút nước, đất đá bắt đầu đổ xuống vùi lấp 7 ngôi nhà. Trong đó có ba người mất tích và hai người bị thương. May mắn là 115 người dân đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Sau một ngày mất liên lạc, sáng 11/9, công an, dân quân đã băng rừng lên núi thì phát hiện tất cả 115 người dân vẫn an toàn. Đến trưa cùng ngày, chính quyền xã đã huy động lực lượng mang đồ ăn lên núi tiếp tế cho người dân. Hiện tại các gia đình vẫn ở lán tạm, lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho bà con đã được tập kết tại một điểm, trưởng thôn sẽ cử bà con xuống vác về. Hiện nay, đường giao thông cũ đã bị lũ cuốn trôi, không còn đường đi, buộc phải đi đường mòn. Địa bàn thôn Kho Vàng vẫn còn nguy cơ sạt lở. Địa phương đang tính toán phương án chuyển người dân đến khu dân cư mới.
Trong đợt lũ vừa qua, xã Cốc Lầu có 3 người mất tích. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy một người và đã tổ chức an táng. 6 hộ gia đình nước cuốn trôi hoàn toàn, hơn 100 hộ gia đình có nguy cơ sạt lở phải di tản. Nhiều tuyến đường giao thông, nhiều tuyến mương bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khu tái định cư của người dân thôn Nậm Tông mới sẽ được khảo sát và bố trí xây dựng cách làng cũ hơn 2km. Chính quyền huyện Bắc Hà và xã Nậm Lúc đang nỗ lực san gạt, quy hoạch khu tái định cư mới cho người dân trước ngày 31/12.
Sẽ có những khu tái định cư mới
Lý giải về thực tế sạt lở trên diện rộng, người dân địa phương cho rằng, khi cơn bão số 3 đến, nhiều chỗ đã ngậm no nước bị ảnh hưởng, do địa hình địa chất dốc cao, nhiều nơi đất pha cát nhiều, là nguyên nhân gây sạt lở rất lớn. Toàn huyện Bắc Hà có 1.589 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, 919 nhà bị ngập nước; 670 nhà bị sạt lở. Tổng số hộ phải di chuyển khỏi khu vực bị ảnh hưởng là 770 hộ/3.345 nhân khẩu. Đến nay, 6 điểm/4 xã đang được sắp xếp sinh hoạt ăn, ở tập trung.
Cùng các bé ở Nhà lưu trú xã Thải Giàng Phố. |
Ông Phạm Quốc Cường - Trưởng Ban Bạn đọc Báo Pháp luật Việt Nam đã bàn giao 380 suất quà, trong đó có 42 suất quà được trao trực tiếp cho người dân xã Thải Giàng Phố. Tại điểm hỗ trợ bà con di cư khỏi vùng ngập lụt, sạt lở xã Thải Giàng Phố, ông Giàng Seo Măng, Chủ tịch UBND xã Thải Giàng Phố cho biết: Khoảng 14 giờ ngày 11/9, chúng tôi nhận được thông tin phản ánh từ người dân thôn San Sả Hồ, có gần 100% nhà ở có hiện tượng nứt tường và sụt lún nền nhà. Trong khi khu vực này là đồi núi, dốc cao, mưa kéo dài ngày dễ gây sạt lở nghiêm trọng.
Tính đến 21 giờ cùng ngày, chính quyền xã Thải Giàng Phố đã di chuyển an toàn hơn 200 nhân khẩu trên địa bàn thôn đến Trường PTDTBT Tiểu học xã Thải Giàng Phố và một phần tập kết tại điểm trường mầm non xã Thải Giàng Phố. Cụ thể: khu dân cư San Sả Hồ (xã Thải Giàng Phố): 45 hộ, 275 khẩu; khu dân cư Ngải Số (xã Nậm Mòn) 16 hộ, 78 khẩu; khu dân cư Kho Vàng (Cốc Lầu) 18 hộ, 100 khẩu.
Cùng với đó, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Lục Văn Sinh cho biết, Thải Giàng Phố là một xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Toàn xã có 409 hộ nghèo, chiếm 68,3%; cận nghèo 19 hộ, chiếm 3,17%. Xã Xả Hồ, thôn Nậm Thố 156 nhân khẩu, khi đi bà con không mang theo được đồ đạc, họ không còn gì.
Thời gian tới xã sẽ gặp nhiều khó khăn về lo ăn ở, sinh hoạt cho bà con bởi nếu có khu tái định cư thì cũng phải ba tháng nữa. Do đó, xã mong muốn huyện, tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch dự án khu tái định cư cho bà con và có chính sách hỗ trợ khu tái định cư mới có phân hiệu trường học gồm tiểu học, mầm non và 600 ngôi nhà mới, gần khu ở cũ khoảng 1,5km, để bà con tiện việc nương rẫy…
Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Lục Văn Sinh bày tỏ sự xúc động về tấm lòng các anh chị Báo PLVN đã đến tận nơi trao quà cho bà con. Ông Sinh cho biết, bà con trong xã chủ yếu làm nông nghiệp lúa ngô. Tới đây, cùng với học hỏi phát triển du lịch cộng đồng, xã sẽ vận động bà con trồng cây ăn quả lê và mận, cây ăn quả ôn đới. Mùa hoa khách đến chụp ảnh. Xã đang đi tham quan Hà Giang, Lai Châu có mô hình tương tự để vừa làm, vừa học hỏi…
Vĩ thanh
Tạm biệt cao nguyên trắng Bắc Hà, chúng tôi mang theo những lo âu ngổn ngang về nguy cơ sạt lở chưa dừng lại và những con số đau lòng về người thiệt mạng, những công trình, ngôi làng bị vùi lấp… Và còn đó là những lắng lòng như những đứa trẻ ngủ say như cún con trong nhà lưu trú văn hóa cộng đồng. Hay mặc cho những âu lo của người lớn đang chịu cảnh mất hết nhà cửa, hai đứa trẻ vẫn chơi đùa hồn nhiên như cuộc sống vẫn bình yên đến thế. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc của một cặp vợ chồng trẻ và em bé bên khung cửa nhà lưu trú mà PV Gia Hải ghi lại được. Hải chia sẻ: “Sau thiên tai, khi mà đồng bào cả nước đang dành cả tâm tình, tấm lòng hướng về vùng núi phải chịu nỗi đau đến nghẹn lòng... Như những vệt nắng chiếu sáng chân trời sau những ngày bão lũ, hình ảnh rạng ngời người cha ôm ấp đứa con còn đỏ hỏn, bên cạnh nụ cười ấm áp, yêu thương, niềm hạnh phúc của người mẹ tại Điểm lưu trú của bà con tại 1 xã tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vì nhà... chẳng còn”.
Khoảnh khắc đẹp tại Nhà lưu trú xã tại Bắc Hà. |
Và khi về đến đoạn phố Lu, huyện Bảo Thắng, cả một đoạn phố rộn ràng, mọi người vẫy cờ mời những chuyến xe đi cứu trợ dừng lại nghỉ ngơi, ăn cơm. Mâm cơm 5 - 6 món gồm thịt gà rang sả, rau canh khoai… gần như một mâm cỗ thịnh soạn. Họ nói do làng mình không bị ảnh hưởng nặng nề bão lũ, nên khi khẩn cấp họ nấu cơm cho bà con vùng lũ. Nay họ tiếp tục nấu cơm mời các vị khách phương xa về với đồng bào lũ Lào Cai. Ai cũng muốn cùng góp chút gì đó chia sẻ với đồng bào, những yêu thương trong những ngày này, hướng tới ngày tái thiết cuộc sống. Nơi này là cửa ngõ Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, những nơi thiệt hại nặng nề đau thương hậu bão, những chuyến hàng nối đuôi nhau...
Họ mời ăn cơm, uống nước như đón người thân đi xa về nhà... Hẹn ngày gặp lại hạnh phúc nhé! Như lời bác Siêu, người dân nơi này tạm biệt chúng tôi. Cảm ơn vì chúng ta, vì những yêu thương chỉ có bởi người Việt, bởi hai tiếng đồng bào thiêng liêng đến thế…