Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS, Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành:
Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần thượng tôn pháp luật. Với ý nghĩa đó, ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, cùng với việc xóa bỏ bộ máy nhà nước của chế độ cũ, nhiệm vụ cấp bách của chính quyền cách mạng là bắt tay vào xây dựng bộ máy nhà nước để kháng chiến, kiến quốc, trong đó có nhiệm vụ thi hành án.
Ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời, xây dựng và trưởng thành của Hệ thống THADS, và ngày 19/7 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Hệ thống THADS.
Nhìn lại 70 năm xây dựng và trưởng thành, nhất là 23 năm kể từ thời điểm công tác THADS được bàn giao từ Tòa án sang Chính phủ (tháng 7/1993) đến nay, cùng với sự lớn mạnh của đất nước, Hệ thống THADS đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ - xứng đáng là thiết chế quan trọng, nhân danh quyền lực nhà nước bảo đảm thực thi trên thực tế các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Về tổ chức bộ máy, trước tháng 7/1993, THADS là một bộ phận của Tòa án nhân dân với Phòng Thi hành án (THA) thuộc Tòa án cấp tỉnh và Chấp hành viên (CHV) hoặc cán bộ làm công tác THA thuộc Tòa án cấp huyện, do Sở Tư pháp quản lý về mặt tổ chức.
Từ tháng 7/1993, công tác THADS được bàn giao sang Chính phủ, đánh dấu những bước phát triển quan trọng của Hệ thống THADS. Từ chỗ là một Phòng (Đội) THADS thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện (giai đoạn 1993 – 2004), và từng bước được tổ chức thành một hệ thống độc lập (giai đoạn 2004-2008), từ năm 2008 đến nay, thực hiện Luật THADS năm 2008, Hệ thống THADS đã được nâng lên một vị thế mới, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ở Trung ương có Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, ở cấp tỉnh có Cục THADS trực thuộc Tổng cục THADS, ở cấp huyện có Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS cấp tỉnh. Bộ Quốc phòng có Cục THA và Phòng THA cấp quân khu. Hệ thống THADS được vận hành theo cơ chế quản lý tập trung, thống nhất, theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Trên cơ sở Nghị định số 74/2009/NĐ-CP (nay là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) và Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, đến nay, Tổng cục THADS đã có 08 đơn vị trực thuộc; 63 Cục THADS cấp tỉnh (được cơ cấu từ 04 đến 05 phòng) và 710 Chi cục THADS cấp huyện.
Về đội ngũ cán bộ, trước tháng 7/1993, cán bộ THADS mới chỉ có chức danh CHV và cán bộ khác làm công tác THADS, với tổng số biên chế bàn giao tại thời điểm tháng 7/1993 là 1.126 người, với 700 CHV, phần lớn cán bộ chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, đặc biệt có nơi không có cán bộ để bàn giao.
Đến nay, cùng với sự phát triển của tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ THADS đã được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng theo cơ cấu chức danh, ngạch công chức. Toàn Hệ thống đã có 9.616 cán bộ (tăng 8.490 cán bộ so với thời điểm năm 1993), trong đó, 86% cán bộ có trình độ đại học trở lên; cán bộ trực tiếp làm công tác THADS cơ bản đều có trình độ cử nhân luật hoặc tối thiểu là trung cấp luật.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước được chú trọng, qua đó, chất lượng đội ngũ cán bộ THADS ngày càng được nâng lên một cách toàn diện. Về cơ cấu chức danh, ngạch công chức, ngoài CHV - là chức danh có từ năm 1972, hệ thống THADS đã có thêm ngạch Thẩm tra viên (TTV) và Thư ký THA.
Đến nay cả nước đã có 4.128 CHV (chiếm tỷ lệ 43%), 607 TTV (chiếm 6,27%), 1.731 Thư ký THA (chiếm 18%). Hầu hết CHV đều đã có trình độ cử nhân luật, 100% số cán bộ tham gia thi tuyển, bổ nhiệm CHV đều đạt tiêu chuẩn cử nhân luật và đã qua lớp đào tạo nghiệp vụ CHV theo quy định của Luật THADS.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Hệ thống THADS không ngừng được kiện toàn đủ về số lượng và đáp ứng về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (tại Tổng cục có 01 Tổng cục trưởng; 04 Phó Tổng cục trưởng và 25 lãnh đạo cấp Vụ; tại Cục THADS, 63/63 Cục đã có Cục trưởng/Quyền Cục trưởng và 133 Phó Cục trưởng; 681/710 Chi cục THADS có Chi cục trưởng; 28 đơn vị giao Quyền/giao phụ trách Chi cục và 947 Phó Chi cục trưởng). Nhờ đó, công tác phân công, phân nhiệm, chỉ đạo, điều hành trong toàn Hệ thống THADS nói chung và trong từng cơ quan THADS nói riêng ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả.
Với sự trưởng thành về tổ chức và cán bộ, Hệ thống THADS đã độc lập, chủ động và ngang tầm trong quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương; kỷ luật, kỷ cương công vụ được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Nhờ đó, công tác THADS thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, ngày càng bền vững và đi vào thực chất, cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm (từ năm 2009 đến nay kết quả THADS cơ bản đều đạt trên 80% về việc và 70% về tiền so với kết quả đạt 45% về việc và 43% về tiền vào năm 1993, trong khi tổng số việc, số tiền phải tổ chức thi hành hiện nay tăng cao so với những năm 1990 - tăng khoảng 04 lần về việc và 60 lần về tiền).
Kết quả này đã và đang góp phần quan trọng, tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng.
Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Chiến lược cải cách tư pháp, cải cách hành chính, một số định hướng lớn trong xây dựng Hệ thống THADS trong thời gian tới đó là:
1. Xây dựng hệ thống tổ chức THADS ngày càng trong sạch, vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý công tác THADS, THA hành chính trên phạm vi cả nước và từng địa phương;
2. Không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ THADS đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng; tập trung thực hiện các giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ THADS; thực hiệt tốt công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, tạo nguồn bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống; đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 05 chuẩn mực đạo đức người cán bộ tư pháp và chuẩn mực đạo đức CHV trong đội ngũ cán bộ THADS; có chính sách thu hút người có năng lực, trách nhiệm vào Hệ thống THADS;
3. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, bảo đảm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được thông suốt đồng bộ, hiệu quả; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực, xây dựng hình ảnh người cán bộ THADS thực sự gần dân, hiểu dân và vì dân trong hệ thống THADS.