Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Minh Thành (có trụ sở tại Hà Nội), trình bày xe tải của công ty nhiều lần bị thiết bị bắn tốc độ của Phòng CSGT (PC67) Công an Hà Tĩnh ghi nhận quá tốc độ. Điều vô lý là kết quả này khác với tốc độ của thiết bị giám sát hành trình (GSHT) lắp đặt trên xe, cũng như quan sát của tài xế trên công tơ mét xe.
Chiếc xe tải “số đen”
Ông Thành cho hay, dù công ty có hàng chục chiếc xe, nhưng chỉ chiếc xe BKS 29C-47911 liên tục nhận được “trát nộp phạt”. Bắt đầu từ tháng 8/2017, công ty nhận được thông báo xe trên vào lúc 3h38’ ngày 18/8/2017 chạy vượt tốc độ từ 5 - 10km/h. Lần thứ hai, PC67 Hà Tĩnh cho rằng vào lúc 03h58’ ngày 29/9/2017, xe trên chạy quá tốc độ từ 5 -10km/h.
Lần thứ ba, vẫn PC67 Hà Tĩnh gửi thông báo xe trên vào hồi 3h52’ ngày 4/10/2017 “Phòng CSGT đã sử dụng phương tiện, kĩ thuật nghiệp vụ phát hiện và ghi nhận ô tô tải BKS 29C-47911 của công ty chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/h và yêu cầu đến giải quyết việc vi phạm”. Một điều trùng hợp, tất cả các lần bị cho là vi phạm, địa điểm PC67 Hà Tĩnh ghi nhận đều là tại km 469+800 QL1A.
Nhận được các thông báo, công ty lập tức yêu cầu tài xế giải trình. Tài xế một mực cho rằng đã có kinh nghiệm lái xe lâu năm, không vượt tốc độ, công tơ mét trên xe chuẩn, thiết bị định vị không thông báo gì. Tài xế cho rằng có sai sót từ PC67 Hà Tĩnh. Sau khi nghe tài xế trình bày, công ty làm công văn yêu cầu đơn vị sản xuất thiết bị GSHT là Công ty Bình Anh cung cấp sao kê lịch trình xe tải trên.
Trong thời gian chờ đợi kết quả “phân xử” của Bình Anh, chiếc xe tải trên tiếp tục “có duyên” với PC67 Hà Tĩnh. Lần thứ tư, theo phản ảnh của tài xế Phạm Thế Thông (SN 1991, ngụ xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, người điều khiển ô tô tải BKS 29C- 47911 của Công ty Minh Thành): Ngày 8/10/2017, khi tài xế đang điều khiển xe từ Hà Nội đến Hà Tĩnh thì bị lực lượng PC67 Hà Tĩnh dừng phương tiện kiểm tra, thông báo phương tiện chạy quá tốc độ. Tài xế bị lập biên bản giữ giấy tờ xe, giấy phép lái xe.
Lần thứ tư bị cho là vi phạm này, là “phạt nóng” chứ không phải “phạt nguội”, CSGT trực tiếp dùng máy bắn. Theo nội dung biên bản PC67 Hà Tĩnh lập, vào hồi 6h47’ ngày 8/10/2017, anh Thông điều khiển xe chạy quá tốc độ từ trên 20km/h đến 35km/h. Cụ thể phương tiện chạy tốc độ 74km/h trong khi đoạn đường chỉ cho phép xe chạy 50km/h.
Tài xế Thông vẫn một mực giữ quan điểm không chạy quá tốc độ quy định và không ký vào biên bản. Anh cho biết đoạn đường cả bị “phạt nguội” lẫn “phạt nóng”, anh thường xuyên đi qua, thuộc làu như lòng bàn tay, luôn chấp hành luật giao thông. “Mặt khác theo quy định của công ty, tất cả lỗi vi phạm luật giao thông do lái xe gây ra thì tài xế tự chịu trách nhiệm, phải bồi thường thiệt hại gây ra nên tôi không bao giờ lái xe quá tốc độ”, anh Thông nói. Mặt khác, anh lần nữa nhắc lại trên xe có hệ thống GSHT và đồng hồ công tơ mét chuẩn, dù có lỡ quên mà quá tốc độ thì cũng bị máy móc cảnh báo nhắc nhở ngay.
Số liệu bất ngờ từ thiết bị giám sát hành trình
Trong lúc công ty đang băn khoăn giữa việc lời kể của tài xế sai, hay thiết bị của PC67 Hà Tĩnh sai, thì kịp thời có kết quả “phân xử” của đơn vị sản xuất thiết bị GSHT. Thật bất ngờ, theo kết quả đơn vị này cung cấp, cho thấy lời kể của tài xế là đúng.
Theo bảng sao kê Công ty Bình Anh cung cấp, lần bị “phạt nguội” thứ nhất, vào lúc 3h38 xe tải trên chạy tốc độ 52km/h. Kết quả sao kê cũng cho thấy từ thời điểm 3h38’ – 3h39 xe luôn chạy tốc độ từ 41-53km/h. Lần bị phạt nguội thứ hai, tốc độ xe là 52km/h. Lần bị phạt nguội thứ ba, tốc độ xe chỉ là 42km (trong khi PC67 Hà Tĩnh thông báo là 62km, chênh lệch nhau đến 20km). Công ty sản xuất thiết bị GSHT xác nhận cả ba lần trên xe đều chạy tại địa điểm QL1 thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tuy nhiên nếu so với thông báo của CSGT Hà Tĩnh thì có sự khác nhau rất lớn về tốc độ, tọa độ phương tiện bị cho là vi phạm tốc độ.
Ở lần xe bị “phạt nóng”, tiếp tục có sự khác biệt về tốc độ do thiết bị đo của lực lượng CSGT ghi nhận với thiết bị GSHT. Theo bảng sao kê Công ty Bình Anh cung cấp, vào ngày 8/10 từ lúc 06h47’06’’ đến 06h47’56’’ xe tải BKS 29C- 47911 lưu hành với các tốc độ từ 43 - 53km/h. Trong khi đó theo máy móc PC67 Hà Tĩnh đo, lại cho ra con số 74km/h, có nghĩa chênh nhau tới… 30km.
Tưởng như bài toán đã có lời giải. Nhưng sự việc hóa ra không dễ dàng như vậy. “Phía công ty đã gửi kiến nghị đến Công an Hà Tĩnh trình bày vấn đề. Trong sự việc này có ba thiết bị đo tốc độ, trong đó hai thiết bị cùng kết quả không vượt tốc độ, chỉ máy bắn của CSGT cho rằng vượt tốc độ. Tưởng như “hai đánh một không chột cũng què”, ai ngờ Công an Hà Tĩnh trả lời tại Công văn số 469 ngày 15/9/2017 là “thiết bị GSHT của công ty lắp chưa được Viện Đo lường Việt Nam kiểm định hiệu chuẩn thiết bị GSHT gắn trên xe ô tô nên tốc độ đo không chính xác. Công ty vận tải yêu cầu công ty lắp đặt thiết bị điện tử xem xét lại thiết bị GSHT đã lắp cho xe mình có chính xác hay không và phản hồi tới cơ quan CSGT Công an Hà Tĩnh”, Giám đốc công ty vận tải thuật lại.
Nhận được công văn này của Công an Hà Tĩnh, công ty vận tải đã trả lời rõ tất cả xe tải của công ty từ 3,5 tấn trở lên đều lắp đặt thiết bị GSHT của Công ty TNHH phát triển công nghệ điện tử Bình Anh có trụ sở tại Hà Nội. Thiết bị GSHT của Công ty Bình Anh đều được kiểm định, có hợp chuẩn theo quy định của Bộ GTVT. Theo đơn vị cung cấp thiết bị, thiết bị GSHT có sai số rất nhỏ từ 1-3km. Khi thiết bị trục trặc thì sẽ không báo chứ không có tình huống báo sai tốc độ. Mỗi năm công ty vận tải đều nộp tiền bảo hành sửa chữa. Riêng chiếc xe tải “số đen” mới được lắp đặt thiết bị GSHT khoảng hai năm nên khả năng trục trặc máy móc càng hiếm.
Dù “khổ chủ” đã trình bày như trên và nhiều lần gửi đơn kiến nghị xem xét lại kết quả xử phạt, nhưng PC67 Hà Tĩnh bị cho là không nhận đơn, chỉ trả lời “không chấp nhận hệ thống quản lý của Công ty Bình Anh mà chỉ căn cứ theo kết quả thiết bị của lực lượng CSGT”.
Dù cảm thấy mình có lý nhưng đứng trước sự việc quá rầy rà, ngày 18/11/2017, tài xế Thông cũng “xuống nước”, có đơn đề nghị xem xét gửi Phòng CSGT Hà Tĩnh. Trong đơn có đoạn viết: “Tôi là lái xe làm công ăn lương, hoàn cảnh khó khăn phải nuôi mẹ già ở quê. Đề nghị Công an Hà Tĩnh xem xét giấy tờ liên quan tạo điều kiện cho tôi còn tiếp tục làm việc kiếm tiền nuôi bản thân và mẹ già”. Phớt lờ những lập luận, kêu cứu trên, PC67 vẫn cho rằng kết quả của mình là chuẩn, quyết phạt chiếc xe “xấu số”.
Công ty vận tải và tài xế đã có động thái gì trước quyết định bị cho là áp đặt này? Đơn vị sản xuất thiết bị GSHT nói gì khi bị PC67 Hà Tĩnh đánh giá là “không chuẩn”? Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau trên số báo ra ngày thứ Hai, 7/5/2018.