Hệ thống nhà tù Mỹ: “Bài toán” quá tải phạm nhân cao tuổi bệnh tật

Hình ảnh một phạm nhân cao tuổi ốm yếu trong các nhà tù ở California
Hình ảnh một phạm nhân cao tuổi ốm yếu trong các nhà tù ở California
(PLO) - Hiện nay Mỹ là nước có số lượng phạm nhân cao nhất trên thế giới – trong đó có nhiều người phải ngồi tù một thời gian dài. Tỷ lệ phạm nhân đã tăng lên nhanh chóng trong vòng ba thập kỷ qua. Một vấn nạn hiện nay mà Mỹ đang phải đối mặt, đó là chi phí chăm sóc sức khỏe cho lượng phạm nhân ngày càng già đi, bị mắc các bệnh ung thư và mất trí nhớ.

Ở tuổi 88, một phạm nhân có tên Richard Arriola ở một nhà tù thành phố Stockton, bang California, Mỹ giờ đây không thể nhớ chi tiết vấn đề tiêu hóa của mình khi bác sĩ thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe California ở Stockton tới thăm khám. Phạm nhân này cũng không thể nhớ được bản thân đã lạm dụng bao nhiêu đứa trẻ để rồi bị tống vào tù.

Đất nước có tỷ lệ phạm nhân cao nhất thế giới

Theo nghiên cứu mới nhất của nhóm Sentencing Project,  Mỹ có tỷ lệ phạm nhân cao nhất thế giới. Cứ 100.000 người thì đến 743 người bị tống giam vì phạm tội – vượt xa tỷ lệ so với các nước khác. Tập trung vào các tội phạm hình sự, số lượng phạm nhân thi hành án chung thân tại các nhà tù ở Mỹ tăng gấp 5 lần từ năm 1984, theo nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016. Theo đó có hơn 200.000 phạm nhân lĩnh án tù chung thân không được đặc xá hoặc án tù trên 50 năm. 

Theo Sentencing Project, với những án tù trên 50 năm, phạm nhân nhiều khả năng sẽ kết thúc cuộc đời mình ngay trong phòng giam. Bên cạnh đó, khoảng 20% phạm nhân người Mỹ gốc Phi sẽ bị kết án tử hình hoặc những bản án tương đương với án tù chung thân. 

Số lượng phạm nhân tăng lên, kèm theo đó là thách thức đối với chính phủ Mỹ về vấn đề chăm sóc sức khỏe và lão khoa cung cấp cho phạm nhân. Tình trạng nghiện ma túy và rối loạn thần kinh cũng rất phổ biến, chỉ riêng ở California đã có khoảng 50% phạm nhân cần điều trị tâm lý. 

“Một phạm nhân thi hành án tù ở độ tuổi 30, mỗi năm tốn rất nhiều tiền của chính phủ”, ABC News dẫn lời Ashley Nellis, chuyên gia cao cấp của nhóm Sentencing Project. “Không những thế, những phạm nhân có độ tuổi càng cao, chi phí càng tốn kém. Có những phạm nhân mãi mãi sống sau song sắt của nhà tù, ngay cả khi họ không còn là mối đe dọa với toàn xã hội.

Một số phạm nhân khá lớn tuổi nhưng cũng không được xem xét đặc xá, do đó họ sẽ sống cho đến cuối đời trong tù và chính phủ buộc phải đảm bảo điều kiện sức khỏe cho họ. Từ đó dẫn đến thực tế, các nhà tù hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc y tế”, Neliis nhấn mạnh. 

Mới đây, hãng tin tức Reuters đã có chuyến thăm tới hai nhà tù ở California và nhận thấy những thách thức trong việc cải thiện chăm sóc y tế phạm nhân mà tiểu bang này đang phải đối mặt, bởi lượng phạm nhân già ngày càng tăng lên.

Theo dữ liệu mới nhất, tại California vào năm 2016 có khoảng 7% trong số 130.000 phạm nhân trên toàn tiểu bang đang ở trên 60 tuổi, trong khi cách đây 20 năm con số này là 1%. Hiện bang này đang phải chi 8.500 USD mỗi năm cho phạm nhân trên 65 tuổi, trong khi những phạm nhân trẻ hơn chỉ mất khoảng 950 USD. 

Có khoảng 18.400 phạm nhân trên tuổi 55 ở các nhà tù bang California. Trong số này có một lượng lớn phạm nhân già đang mắc các bệnh như sa sút trí nhớ, ung thư… và sống trong sự chăm sóc suốt ngày đêm của đơn vị y tế trong nhà tù, từ việc đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, đi vệ sinh… Thế nhưng vẫn không đủ nguồn nhân lực để chăm sóc các tù nhân già, khiến lãnh đạo các nhà tù ở California đau đầu tìm cách xử lý. 

Phạm nhân chăm sóc phạm nhân

Bang California đang lên phương án xây dựng một trung tâm y tế với hàng trăm chiếc xe lăn, các thiết bị hỗ trợ thính giác và thị giác… Sắp tới, cơ sở y tế của Stockton cũng sẽ mở một trung tâm điều trị vật lý trị liệu. Dự kiến, California sẽ phải chi khoảng 26,000 USD cho một phạm nhân về chăm sóc sức khỏe vào năm tới.

“Trong thời gian theo dõi, chúng tôi xác định được hiện nay các phạm nhân già cần thiết nhất là một đơn vị y tế chuyên biệt về bệnh mất trí nhớ ở tuổi già và chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị và sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất có thể.

Đây sẽ đánh dấu một trong những nỗ lực to lớn của giới chức trách California trong việc điều trị cho các phạm nhân bị suy giảm nhận thức”, bà Elizabeth Gransee, phát ngôn viên của Trung tâm Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Correctional California cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ bang California sẽ thành lập bao nhiêu cơ sở chăm sóc y tế, nhưng các nhà chức trách sẽ đảm bảo những phạm nhân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất có thể. Tuy nhiên trước khi các trung tâm y tế đi vào hoạt động, để khắc phục tình trạng trước mắt, các trại giam đã kêu gọi nguồn nhân lực là những phạm nhân trẻ tuổi, họ sẽ trợ giúp phạm nhân già trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày. 

Scottie Glenn, 47 tuổi, vào tù từ năm 25 tuổi vì tội giết người. Hàng ngày anh thường đưa các phạm nhân phải ngồi xe lăn đến gặp bác sĩ, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân và thậm chí hát và kể chuyện cho những bệnh đang bị suy giảm trí nhớ.

“Số lượng nhân viên chăm sóc phạm nhân quá ít do vậy các phạm nhân phải tự giúp đỡ lẫn nhau. Thời trẻ nhiều phạm nhân đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng, nhưng khi về già họ mất hết khả năng đến vệ sinh cá nhân cũng cần người hỗ trợ”, phạm nhân Glenn cho biết. 

Phạm nhân William Michael Dalby, 70 tuổi đang sống lay lắt trong tù với chứng mất trí nhớ. Hay phạm nhân Eddie Van Houton, 71 tuổi đang mắc căn bệnh ung thư đều đang phải nhờ đến sự giúp đỡ của một phạm nhân trẻ Kao Saephanh. Bản thân phạm nhân Kao Saephanh phải thường xuyên thay tã, tắm rửa, giặt đồ và thậm chí là thợ cắt tóc cho những phạm nhân già.

“Tôi biết rằng khi đã phải sống trong tù tất cả phạm nhân như tôi đều phải tự chăm sóc cho bản thân. Nhưng đối với những phạm nhân già, việc phải chết ở trong tù mà không phải bên người thân quả thực vẫn là điều khó khăn. Vì vậy, bản thân tôi cũng muốn giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời”, phạm nhân Kao Saephanh nói. 

Phạm nhân Michael Patrick Rodriguez, 62 tuổi, bị ung thư da đang ngồi xem tivi: “Tôi sẽ đánh bại căn bệnh quái quỷ này. Dù bản thân mang tội nhưng tôi thực sự biết ơn các bác sĩ, y tá đã nhiệt tình chăm sóc, đặc biệt là những người như Kao Saephanh, cậu ấy thường xuyên giúp tôi vệ sinh cá nhân, tậm thể dục, thậm chí tới đây đọc truyện Harry Potter cho tôi bớt cô đơn và đau đớn”. 

Ngoài ra, trong những giải pháp hay ho mà mới đây các nhà tù Mỹ áp dụng, còn có việc khuyến khích các phạm nhân nuôi dưỡng những chú chó bị ngược đãi, bạo hành và bị bỏ rơi. Việc làm này hỗ trợ rất nhiều trong việc cải thiện sức khỏe, khiến các phạm nhân vui vẻ hơn, từ đó giảm bớt bệnh tật, đồng thời cũng là một phương pháp để họ phục hồi nhân phẩm, tìm lại chính mình. 

Ông David Smith, 70 tuổi, hiện đang thụ án 40 năm tù vì tội giết người. Ông đang đang mắc một loạt các vấn đề về sức khỏe bao gồm viêm phế quản, tiểu đường, viêm loét dạ dày, di chuyển khó khăn và phải ngồi xe lăn.

Việc được nuôi một con chó thực sự đã khiến tình trạng sức khỏe của ông tiến triển hơn hẳn. “Tôi học được nhiều điều từ việc chăm sóc chó cưng. Đây cũng là phương pháp điều trị hiệu quả, dễ chịu”, phạm nhân David Smith nói. 

Chương trình này được đánh giá là đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Giới chức trong các nhà tù California cho rằng các phạm nhân nhanh được phục hồi sức khỏe, hòa nhập với cộng đồng. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.