Bà Nguyễn Thúy Hiền - nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ). |
-Thưa bà, bà có thể nói về những yêu cầu cấp thiết và thuận lợi, khó khăn trong quá trình hình thành Cục ĐKGDBĐ ?
Vào những năm 2000, việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh của cá nhân và các doanh nghiệp có nhiều khó khăn. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội, vì vậy, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều nhóm giải pháp để tăng cường việc cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, một giải pháp hết sức quan trọng đó là đăng ký giao dịch bảo đảm, chính vì vậy Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2000/NĐ-CP về Đăng ký giao dịch bảo đảm vào ngày 10/03/2000. Đây là một Nghị định rất quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc công khai, minh bạch các giao dịch bảo đảm, đặc biệt là về việc thế chấp quyền sử dụng đất và các bất động sản để ngân hàng cung cấp vốn cho các doanh nghiệp. Khi đó, việc đăng ký giao dịch bảo đảm góp phần tạo ra sự công khai, minh bạch của các giao dịch bảo đảm và là nguồn thông tin để cung cấp cho cá nhân, tổ chức muốn tìm hiểu về tài sản xem tài sản đó đã, đang thế chấp ở đâu hay chưa, và nếu chưa thì các ngân hàng sẽ nhận tài sản đó để bảo đảm cho các khoản vay của mình.
Trong bối cảnh việc giải ngân, việc công khai minh bạch, cung cấp thông tin có ý nghĩa quan trọng như nêu trên thì việc thành lập Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm là hết sức cần thiết để giúp cho Bộ Tư pháp có được một đơn vị tham mưu, giúp Chính phủ tăng cường quản lý về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong phạm vi toàn quốc. Khi đó, chúng tôi thấy rằng việc thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng như việc thành lập các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt thì Cục Đăng ký giúp cho Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, còn các Trung tâm Đăng ký thì tổ chức đăng ký và cung cấp thông tin cho mọi người có nhu cầu tìm hiểu tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm.
Khi Cục Đăng ký được thành lập cũng đã có nhiều thuận lợi nhưng cái thuận lợi cơ bản nhất mà chúng tôi đánh giá rất là cao đó là sự quan tâm của Chính phủ, chính sự quan tâm này của Chính phủ dẫn đến sự ra đời Nghị định số 08/2000/NĐ-CP, sau đó Thủ Tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 104/2001/QĐ-TTg vào ngày 10/07/2001 thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Đây là nền móng ban đầu để Cục ngày càng phát triển, hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
-Là người đã từng gắn bó và luôn quan tâm đến sự hình thành, phát triển của Cục Đăng ký, bà nhìn nhận thế nào về sự trưởng thành của Cục?
Có thể nói Cục Đăng ký là một đơn vị tham mưu cho Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ quản lý thống nhất về đăng ký giao dịch bảo đảm trong cả nước. Và trong suốt thời gian vừa qua thì Cục cũng đã nghiên cứu, soạn thảo, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên cả nước. Chẳng hạn như trong thời gian vừa qua Cục cũng đã tham mưu, chủ trì soạn thảo các Nghị định về lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, rồi các Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đặc biệt tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong quá trình xây dựng những quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm trong Bộ luật Dân sự gần đây nhất là BLDS 2015. Từ việc chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền của mình những văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý cho việc đăng ký biện pháp bảo đảm ngày càng hoàn thiện hơn. Một chức năng nhiệm vụ nữa rất quan trọng đó là tổ chức, thực thi những văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trong cả nước, xây dựng các Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản của Cục tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, hướng dẫn, tập huấn, tổ chức tọa đàm, hội thảo để mọi người hiểu hơn về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm. Có thể nói người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng ngày càng hưởng ứng nhiều hơn công tác này, đây là công sức quan trọng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Cục Đăng ký qua các thời kỳ.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công khai, minh bạch các tài sản có ý nghĩa rất là quan trọng nhằm thúc đẩy các giao dịch dân sự, kinh tế ngày càng phát triển. Chính vì việc đăng ký biện pháp bảo đảm có ý nghĩa quyết định trong việc công khai các tài sản bảo đảm, các giao dịch về thế chấp, cầm cố, bảo lãnh liên quan đến tài sản bảo đảm, nó giúp cho người ta có lượng thông tin về vấn đề tài sản này đang được dùng thế chấp, giúp họ xem xét và quyết định có được cấp vốn cho cá nhân, tổ chức này hay không.
Và ở đây, chúng tôi thấy rằng đây là việc đảm bảo sự an toàn pháp lý của các bên trong giao dịch, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong các giao dịch dân sự, đặc biệt là trong các giao dịch thương mại, kinh tế, tín dụng trong và ngoài nước, như vậy nó thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển hơn.
Tôi rất vui mừng khi chứng kiến chặng đường 20 năm qua của tập thể công chức, viên chức và người lao động của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và các Trung tâm cũng như là các đồng nghiệp thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Văn phòng đăng ký đất đai ở 63 tình thành, ở Cục Hàng hải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Tôi xin chúc tất cả các anh chị em làm công tác đămg ký biện pháp bảo đảm sức khỏe, gia đình hạnh phúc và thành công. Chúc cho cả Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm chứ không chỉ riêng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm ngày càng phát triển và thực sự trở thành địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp, các cá nhân khi đến đăng ký và rất kỳ vọng việc đăng ký ngày càng phát triển hơn nữa phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt phục vụ cho việc thúc đẩy việc đầu tư vốn trong và ngoài nước để phát tiển kinh tế xã hội nước nhà.
-Trân trọng cám ơn bà!