[links()]Lao động Nguyễn Thị Toại được đóng visa tại Đại sứ quán Ả rập- Xê út tại Hà Nội ngày 2.10.2009 và được Công ty CP Thương mại Tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu ký hợp đồng đưa đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập- Xê út.
Liên quan tới vụ lao động Nguyễn Thị Toại đã mất liên lạc với gia đình 24 tháng qua, sau khi được đưa đi giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út năm 2009, hôm 15.2, Cục QLLĐNN đã có công văn đề nghị Đại sứ quán Ả rập- Xê út tại Việt Nam xác minh thời điểm chị Toại xuất cảnh và đơn vị làm thủ tục xuất cảnh cho chị Toại.
Cháu Bảo ( ảnh phải) con trai lao động Nguyễn Thị Toại ( bên trái) đã 9 tuổi và 2 năm nay luôn mong mỏi mẹ trở về |
Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy thời điểm chị Toại được đưa ra Hà Nội học tiếng và nghiệp vụ để đi Ả rập- Xê út thì địa chỉ số 9 ngõ 176 phố Mai Dịch ( trụ sở chi nhánh công ty Vivaxan hiện nay) là Trung tâm đào tạo của Chi nhánh Hà Nội, công ty CP Thương mại Tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu ( tên giao dịch là Getraco).
Thời điểm đó ông Lê Đức Tuấn- Giám đốc chi nhánh đã ký hợp đồng thuê căn nhà này làm Trung tâm tuyển dụng và đào tạo lao động xuất khẩu. Sau khi ký hợp đồng thuê nhà, ông Lê Đức Tuấn đã ra quyết định số 02 ngày 29/5/2009 thành lập Trung tâm tuyển dụng và đào tạo lao động xuất khẩu trực thuộc Chi nhánh Hà Nội.
Bà Trần Khánh Ninh cho biết thời điểm đó bà là cán bộ nghiệp vụ của Trung tâm này (trước khi trở thành giám đốc chi nhánh Hà Nội của Vivaxan).
Bà Ninh phản ảnh với PLVN Online, Trung tâm tuyển dụng và đào tạo lao động mà ông Tuấn thành lập chỉ có chức năng đào tạo lao động còn việc ký hợp đồng và làm thủ tục cho lao động là do Chi nhánh và công ty mẹ trong Vũng Tàu đảm nhiệm.
Do vậy, dù rất nỗ lực song bà Ninh và các cán bộ của Vivaxan ( hiện hoạt động tại địa chỉ số 9 ngõ 176 Mai Dịch) không dễ gì tìm được các văn bản, hồ sơ liên quan đến việc lao động Nguyễn Thị Toại.
“Dù không trực tiếp đưa chị Toại đi bằng hợp đồng của Vivaxan nhưng chị Toại từng là lao động của Trung tâm thuộc Getraco thời điểm tôi cũng là cán bộ của trung tâm này nên quan điểm của tôi cũng như những cán bộ từng làm cho Getraco nay làm cho Vivaxan là: không bỏ rơi lao động. Do vậy, khi người nhà lao động lên nhờ tìm kiếm lao động chúng tôi đã rất nỗ lực giúp đỡ trong suốt hơn 2 năm qua”, bà Trần Khánh Ninh nói.
Cũng theo thông tin bà Trần Khánh Ninh cung cấp thì lao động Nguyễn Thị Toại được Getraco ký hợp đồng với chủ sử dụng Ả rập- Xê út và visa của lao động được “đóng” tại Đại sứ quán Ả rập- Xê
út tại Hà Nội ngày 2.10.2009.
Hiện cá nhân bà Ninh đang nỗ lực giúp cho Đại sứ quán Ả rập- Xê út tại Hà Nội tìm được số hộ chiếu cũng như visa của lao động Nguyễn Thị Toại.
Về tung tích của chị Toại, bà Ninh cho biết chắc chắn lao động Toại không mất tích mà có lý do nào đó khiến lao động này không liên lạc được về với gia đình. Cá nhân bà Ninh đang nhờ người bản xứ ở Ả rập- Xê út tìm cách liên lạc với lao động Toại và đưa chị tới Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập – Xê út để xác thực.
Để làm rõ những liên quan của Getraco với việc đưa lao động Nguyễn Thị Toại xuất cảnh làm việc tại Ả rập- Xê út cũng như các vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của lao động Toại trong suốt thời hạn hợp đồng, phóng viên PLVN đã liên lạc nhiều lần với số máy di động của ông Trương Quang Nga- người được phân công phụ trách hoạt động XKLĐ của Getraco và cũng là người ký hợp đồng đưa lao động giúp việc đi Ả rập- Xê út song nhiều ngày nay số máy PV gọi không hề nhấc máy.
Trong khi đó, Thanh tra Cục QLLĐNN cho biết, từ tháng 5.2011 Công ty Getraco đã có văn bản gửi Cục QLLĐNN thông báo dừng mọi hoạt động tại Chi nhánh Hà Nội.
Theo quy định của pháp luật về XKLĐ thì khi chi nhánh dừng hoạt động, công ty mẹ tiếp tục có trách nhiệm quản lý lao động và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết.
Công ty Getraco sẽ báo cáo Cục QLLĐNN như thế nào về trường hợp lao động Nguyễn Thị Toại, PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc.
Liên quan tới việc hai phóng viên bị hành hung tại Vivaxan, công ty Vivaxan cho biết người xô xát với nhóm phóng viên không phải là PGĐ công ty mà là một nhóm lao động khi đó đang làm thủ tục ở dưới tầng 1. Vụ việc đã được công an hòa giải và Công ty Vivaxan chi nhánh Hà Nội đã kiểm điểm, nhắc nhở lao động song không tìm được “thủ phạm” đã đẩy PV Quốc Tiến và xé túi máy quay của PV này. Vivaxan cho rằng đây là sự hiểu lầm đáng tiếc bắt nguồn từ tác nghiệp của các PV, bản thân công ty luôn trân trọng và cầu thị đối với báo giới. |
Nhóm PVĐT