Cuốn sách chứa thứ ngôn ngữ mà không ai trên hành tinh có thể đọc đã ra đời từ đầu thế kỷ 15, các nhà khoa học Mỹ tuyên bố.
Livescience cho biết, “Bản thảo Voynich”, tên của một trong những cuốn sách bí ẩn nhất hành tinh, được viết bằng ngôn ngữ mà không ai có thể đọc và tìm thấy ở bất kỳ nơi nào. Nhiều nghiên cứu cho thấy những ký tự trong sách thực sự thuộc về một ngôn ngữ, chứ không phải là những ký tự tùy tiện. Một số chuyên gia cho rằng cuốn sách được viết dưới dạng mật mã để che giấu nội dung thật. Đây là một thủ thuật khá phổ biến trong những năm đầu thế kỷ 17.
Cuốn sách, gồm 250 trang bằng da thuộc, cũng chứa rất nhiều hình vẽ vật thể như cây cối, thiết bị thí nghiệm cổ xưa, ký hiệu chiêm tinh. Thậm chí người ta còn thấy nhiều hình minh họa phụ nữ trong bồn tắm. Tất cả cây được vẽ trong cuốn sách dường như không tồn tại trên địa cầu, bởi giới khoa học chưa xác định được danh tính của bất kỳ cây nào trong số chúng. Một số cây có lá và rễ rất kỳ lạ.
Những hình vẽ và mẫu tự trong một trang của "Bản thảo Voynich". Ảnh: typepad.com. |
“Chẳng ai biết nội dung bản thảo Voynich, song có vẻ như nó bao gồm nhiều chủ đề liên quan tới hóa học”, Greg Hodgins, một chuyên gia về hóa học và khảo cổ của Đại học Arizona tại Mỹ, phát biểu.
Do cuốn sách được làm bằng da thuộc nên phương pháp đo phóng xạ carbon -14 (C-14) có thể nói lên tuổi của nó. Phương pháp này đạt độ chính xác gần như tuyệt đối khi áp dụng với những vật thể có niên đại dưới 60 nghìn năm.
Khi động vật và thực vật chết, lượng C-14 phân rã theo một tốc độ nhất định. Các nhà khoa học có thể căn cứ vào tốc độ phân rã của C-14 để tính toán thời gian đã trôi qua kể từ khi chúng chết.
Nhóm của Hodgins lấy 4 dải da mỏng và có chiều dài khoảng 2,5 cm từ một số trang trong sách rồi rửa sạch bụi, chất béo (trong mồ hôi của tay người). Sau đó họ đốt chúng để loại bỏ mọi thứ, trừ C và các đồng vị của nó. Cuối cùng họ đo nồng độ C14 trong tro. Kết quả cho thấy cuốn sách được viết từ đầu thế kỷ 15, sớm hơn một thế kỷ so với dự đoán của nhiều nhà khoa học.
"Bản thảo Voynich" xuất hiện lần đầu tiên vào những năm cuối thế kỷ 16. Hoàng đế La Mã Rudolph II, người rất mê sưu tập đồ cổ, đã mua Voynich tại Prague (Cộng hòa Czech ngày nay). Sau khi Rudolph II chết, nhiều nhà quý tộc và học giả lần lượt sở hữu cuốn sách. Sau đó, bản thảo Voynich biến mất vào cuối thế kỷ 17. Năm 1912, cuốn sách xuất hiện trở lại và thuộc quyền sở hữu của tay buôn sách người Mỹ Wilfrid Voynich. Từ đấy, cái tên "Bản thảo Voynich" bắt đầu được đặt cho cuốn sách. Sau khi Voynich chết, cuốn sách được đem tặng cho Đại học Yale tại Mỹ.
Tuổi của “Bản thảo Voynich” có thể giúp giới khoa học tìm thêm được manh mối trong quá trình nghiên cứu cuốn sách. Tuy nhiên, rất có thể nội dung của nó sẽ không bao giờ được tìm ra. Những chương trình máy tính mới nhất và các chuyên gia mật mã giỏi nhất thế giới đều bất lực khi giải mã cuốn sách. Có lẽ “chìa khóa” để các chuyên gia giải mã cuốn sách đã bị phá hủy từ lâu. Mặc dù vậy, giới khoa học hy vọng những công nghệ tương lai có thể giúp những thế hệ sau đưa bí mật của “Bản thảo Voynich” ra ánh sáng.
Nguồn: VnExpress