Cuộc gọi "lạnh gáy, buốt sống lưng"
Ngày 7/5, Nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc, trao đổi thông tin với đại diện Công an TP Thái Bình về một số vụ việc mà báo đã, đang và sẽ tiếp tục phản ánh. Khi PV đặt câu hỏi rằng, Công an TP Thái Bình đã tiến hành xác minh, làm rõ đoạn băng ghi âm lại cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông Nguyễn Văn Lẫm (chủ doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ Lâm Quyết) và một người xưng tên là Đường hay chưa? Và nếu đã xác minh, làm rõ thì tại sao cơ quan công an lại không tiến hành khởi tố hình sự vụ án "Đe doạ giết người" theo quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình sự 2015?
Đồng chí Nguyễn Văn Đức, Đội phó đội Điều tra tổng hợp, Công an TP Thái Bình trả lời rằng đơn vị đã tiến hành xem xét, nghe lại toàn bộ đoạn băng ghi âm này. Trong đoạn băng có một người xưng là Đường nói chuyện qua lại trên điện thoại với ông Nguyễn Văn Lẫm.
Trụ sở Cty Lâm Quyết bị đập phá tan hoang |
PV tiếp tục hỏi rằng, cơ quan điều tra sau đó có tiến hành trưng cầu giám định âm thanh đối với nội dung ghi âm cuộc gọi này hay không? "Vì file ghi âm này do ông Lẫm cung cấp kèm theo đơn trình báo, tố giác và các hình ảnh, chứng cứ khác chứ không phải file chưa rõ nguồn gốc nên chúng tôi không tiến hành trưng cầu giám định âm thanh. Chúng tôi cũng xác định rằng đây là cuộc trao đổi qua điện thoại giữa ông Đường và ông Lẫm song xét thấy chưa đủ căn cứ cấu thành hành vi vi phạm hình sự nên quyết định không khởi tố vụ án theo Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015", ông Nguyễn Văn Đức trả lời.
Toàn bộ file ghi âm nói trên giá đình ông Nguyễn Văn Lẫm đã cung cấp cho Nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, do thời lượng dài, nội dung quá tục tĩu, kinh khủng, chúng tôi chỉ xin phép trích lược tóm tắt cuộc trao đổi mà ông Lẫm khẳng định đây là cuộc hội thoại giữa ông và Nguyễn Xuân Đường để độc giả tiện theo dõi:
- Ông Lẫm: Em đang ở đâu?
- Ông Đường: Em đang dầu khí.
- Ông Lẫm: Bây giờ thế này Đường nhé. Thôi thì hôm nay anh cũng nói rõ với em là thôi thì tất nhiên là chỗ anh em anh phải quyết định, tối nay là anh hẹn em về nhưng anh bàn bạc với gia đình, mọi người là anh quyết định không bán xưởng, không ủy quyền cho ai cả. Anh giữ lại để sản xuất và sống để anh trả nợ và cái khoản nợ của em ý là anh chị xin nhận nợ rồi anh chị xin khất lại anh chị về anh chị làm các công trình hàng đang dở dang để anh trả.
- Ông Đường: Khất cái ***, *** *** mày, bố *** cho mày khất đấy, cái *** *** mày, mày về xem, tao xem là thằng nào nó đỡ mày... [.v.v.]
- Ông Lẫm: Anh về anh làm cái hàng dở dang xong anh thu tiền anh trả.
- Ông Đường: Mày á, mày tuổi *** gì mày làm, tao thách mày làm luôn đấy. Bố mày nói cho mày biết này bố từng ra ngoài Hải Phòng bố tìm mày nhé, bố mày lên Hà Nội bố tìm mày rồi nhé. *** *** *** mày bố mày bắt được mày bố chặt chân mày ngay từ ngày đấy, mấy hôm trước rồi con ạ. *** *** mày, mày biết đấy một cái mạng người với một thằng nghiện nhé chỉ vì một tép thuốc phiện thôi nó có thể giết người....
- Ông Lẫm: Biết rồi anh có trốn đâu, có phải anh không trả em đâu.
- Ông Đường: Mày không trốn mày cũng phải trốn mày hiểu không, mày tưởng bây giờ mày về mày đàng hoàng mày lên công an mày khai báo mày nợ á, xong cái kiểu như những con nợ khác á. Mày nhầm rồi tao là Đường...
- Ông Đường: .... Bố mày ăn thịt mày luôn cái *** *** mày. Tao xác định luôn một thằng em tao lên đường. Con *** mày nghe tao nói này, mày báo luôn với tất cả các quan hệ của mày, *** *** mày tao sẽ hi sinh một thằng đàn em tao, tao nuôi trong tù, *** *** nhà mày.
- Ông Lẫm: Nói thật với em là chỗ anh em anh nợ em như thế là anh về anh khất em để anh làm.
- Ông Đường: [............] Mày sang công ty cho tao, mày nói bao nhiêu tiền bố mày trả mày...
- Ông Lẫm: Thôi anh chị xin em.
- Ông Đường: Tao *** chấp nhận, một là mày trốn con *** mày đi, cứ trốn đi... Bố mày chơi nhiều thằng chết chứ không phải mình mày chết đâu hiểu không.
Lo sợ bị đánh giết, chủ doanh nghiệp liên tục gọi điện cầu cứu công an
Việc liên tục bị doạ giết, chặt chân khiến vợ chồng ông Phạm Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết sợ hãi, lo lắng sẽ bị “xử” nếu như để ông Đường và người của ông Đường gặp được ở Thái Bình. Do đó, ông Lẫm đã gọi điện thoại cầu cứu công an các cấp tại Thái Bình đề nghị có biện pháp bảo vệ tính mạng cho hai vợ chồng, ngăn chặn các tình huống xấu có thể xảy ra.
Cụ thể, theo các tài liệu là các file ghi âm cuộc gọi do gia đình ông Lẫm cung cấp cho Nhóm PV báo Pháp luật Việt Nam thể hiện ông Lẫm đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông Nguyễn Xuân Hậu, Trưởng Công an TP Thái Bình đề nghị đảm bảo tính mạng, xin nhờ trụ sở Công an TP Thái Bình làm nơi đối thoại, mong các chủ nợ cho khất thêm thời gian để về làm hàng dang dở trả sau, nhưng không được chấp nhận.
Hình ảnh nhóm người được cho là do ông Đường chỉ đạo xuống công ty Lâm Quyết |
Sau đó ông Lẫm được cho là đã gọi điện cho ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để trình bày tình thế nguy cấp và cầu cứu sự hỗ trợ, bảo vệ từ lực lượng công an. Ông Minh sau đó được cho là hướng dẫn ông Lẫm gửi đơn lên phòng hình sự Công an tỉnh Thái Bình và Công an TP Thái Bình đồng thời điện báo cáo ông Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để nắm biết sự việc. Ông Nguyễn Đình Trung được cho là tiếp tục hướng dẫn ông Lẫm làm đơn trình báo sự việc ra Công an TP Thái Bình và Công an tỉnh Thái Bình.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh, Đoàn Luật sư TP Hải Phòng nhận định:
Khoản 1, Điều 133, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Đe dọa giết người” như sau:
Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trong trường hợp nhắn tin, gọi điện đe dọa giết người có kết hợp cùng với các hành động khác làm cho người bị đe dọa có căn cứ lo sợ rằng người đe dọa sẽ thực hiện việc giết người thì sẽ thỏa mãn cấu thành tội "Đe dọa giết người".
Hành vi đe dọa giết người cấu thành tội khi hành vi đó làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lí như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa.