Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND TP) Hà Nội sáng qua tổ chức Hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Với nhiều ý kiến xác đáng, các đại biểu đã tập trung góp ý vào toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để “sự tham gia đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu HĐND - người đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô để Hiến pháp sửa đổi lần này thực sự là một bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” như nhận định của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh khi phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đánh giá cao sự tích cực và hiệu quả của các ngành, các cấp và sự quan tâm, tích cực đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân Hà Nội cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Hà Nội phải đi đầu trong việc quán triệt Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ dân trên địa bàn.
Để tất cả người dân đều nắm được nội dung của bản dự thảo và đóng góp ý kiến của mình, Phó Chủ tịch đề nghị, “việc tập hợp ý kiến nhân dân phải vừa dân chủ, khách quan và làm sao để tất cả người dân đều được bày tỏ việc đồng tình, không hoặc có ý kiến khác, chứ không chỉ dừng ở những bài phát biểu tại các hội thảo”.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được chỉnh lý và trình ra kỳ họp Quốc hội thứ 5 cho ý kiến nhưng sau thời gian đó, “vẫn phải động viên nhân dân tiếp tục cho ý kiến, tiếp tục tập hợp báo cáo lên Ủy ban dự thảo, đến trước khi Quốc hội chính thức thông qua bản Hiến pháp”.
Cùng ngày 7/3, tại Hà Nội, Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân (PPWG) và Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR) tổ chức hội thảo “Kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp” nhằm lấy ý kiến đóng góp và kiến nghị từ nhóm các tổ chức xã hội dân sự (CSO) cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh việc góp ý vào các vấn đề chung, các ý kiến tại Hội thảo tập trung góp ý vào các nội dung liên quan đến sự phát triển của xã hội dân sự, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, biểu tình. Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 là phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh khu vực và trên thế giới đang có nhiều thay đổi, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sát thực tiễn vào nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Bình luận chung về Dự thảo sửa đổi, các tổ chức này ghi nhận nhiều điểm mới của bản Dự thảo như thành lập các cơ quan hiến định (Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia), quy định nội dung quyền con người ngay trong Chương II, nhấn mạnh Nhà nước pháp quyền và làm rõ hơn sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước; làm rõ hơn vai trò và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam. P.V |
H.Giang