Trong một trăm mối tình bị gia đình ngăn cản đến nỗi đôi lứa phải chia lìa, đến nỗi có đôi phải bỏ nhà ra đi để được bên nhau, hoặc phải mang nỗi khổ đau dai dẳng trong lòng, có đến hơn 2/3 rơi vào những đôi còn ít tuổi, chưa có cuộc sống độc lập.
Có không ít cô gái khi lựa chọn người yêu, người chồng tương lai lấy tiêu chuẩn “nhà mặt phố, bố làm to”.
Nhiều cô không để ý đến tính cách người chồng tương lai của mình thế nào, mà nhìn ngay vào nhà cửa, tiền của, tiện nghi của bố mẹ anh ta, với hy vọng sẽ được ấm thân trước mắt và thành bà chủ trong tương lai. Song hầu hết các trường hợp như vậy đều rơi vào cảnh thất vọng.
Được làm bà chủ đâu chưa thấy nhưng cảnh con dâu mà bị đối xử như kẻ ăn người ở, bị coi thường như kẻ ăn bám, ra vào phải khép nép, đi đâu phải được phép mới được đi... thì đã nhỡn tiền.
Cũng là anh con rể ấy thôi, nhưng ngày anh ta ở cùng bố mẹ vợ với cái tâm thế “ở nhờ”, khác hẳn với anh con rể bây giờ đã mua được nhà, có cuộc sống độc lập.
Nói đến tự do và độc lập trong tình yêu, hôn nhân, gia đình, tôi lại chợt nhớ đến hoàn cảnh của một người phụ nữ lấy chồng Việt kiều. Đang là một cô giáo, có công ăn việc làm tử tế, thu nhập ổn định, vậy mà khi lấy anh Việt kiều hồi hương, cô chấp nhận bỏ việc để ở nhà sinh con và chăm sóc chồng.
Sau 3 năm cô đã có 2 thằng con trai, nhưng cuộc sống vợ chồng thật bất hạnh. Chồng cô là người đàn ông đã có 4 đời vợ ở bên Đức. Họ đều lần lượt “cao chạy xa bay” vì không chịu đựng được tính vũ phu, ích kỉ, keo bẩn, tàn nhẫn, coi thường phụ nữ của ông ấy.
Sau 3 năm chung sống ngậm đắng nuốt cay, khóc lóc đêm ngày, nhưng cô không dám rời bỏ ông ta, cũng không dám “đấu tranh” với ông ta bởi bây giờ cả ba mẹ con sống bằng đồng tiền do ông ta đưa hàng tháng theo kiểu “nhỏ giọt”. Bây giờ cô mới thấm thía nỗi tủi hờn của một người sống phụ thuộc...
Một đồng nghiệp của tôi đưa ra nhận xét tương đối xác đáng rằng: Những người thoát ly, những người đi làm cơ quan, đã có cuộc sống độc lập, thường được tự quyết trong tình yêu và hôn nhân, ít bị sức ép của gia đình và họ hàng hơn những người sống cùng bố mẹ, mà lại phụ thuộc kinh tế.
Thông thường một đôi nam nữ như vậy yêu nhau, họ tự do tìm hiểu, chỉ khi đi đến quyết định cuối cùng, họ mới đưa nhau về giới thiệu với gia đình.
Sự ra mắt này chỉ mang tính chất thông báo: “Con yêu và sẽ lấy một người như thế” chứ không có ý nghĩa xin ý kiến hay “trưng cầu dân ý” gia đình.
Nhiều đôi tự lo liệu cho cuộc sống gia đình riêng của mình, không nhờ vả cha mẹ điều gì. Thậm chí đến ngày cưới, họ mời đôi bên gia đình đến để ăn cỗ cưới.
Có ông bố bà mẹ nào muốn ngăn cản, cũng chẳng biết cản ngăn bằng cách nào. Họ đành chấp nhận nói “Mặc kệ chúng nó lấy nhau, sau này sướng nó hưởng, khổ nó chịu, chẳng kêu ai được”. Những đôi nam nữ như vậy chắc chắn mới hiểu hết cái giá của một cuộc sống tự lập.
Theo PNVN