Những người hạnh phúc có xu hướng nói nhiều hơn người bất hạnh và các cuộc đối thoại của họ luôn có nhiều thông tin hơn.
Ảnh: brentdarnell.com. |
Livescience cho biết, một nhóm chuyên gia tâm lý của Đại học Arizona và Đại học Washington tại Mỹ thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu sự khác biệt về kiểu nói chuyện giữa người hạnh phúc và người bất hạnh.
Trong thử nghiệm, các tình nguyện viên đeo một thiết bị ghi âm có tên Electronically Activated Recorder (tạm dịch là máy ghi âm kích hoạt điện tử) trong 4 ngày. Thiết bị này ghi lại các đoạn hội thoại ngắn trong cuộc sống thường nhật của tình nguyện viên. Sau 4 ngày họ thu được hơn 2.000 cuộc hội thoại.
Sau đó các nhà nghiên cứu nghe các đoạn hội thoại và phân chúng thành hai loại: vặt vãnh hoặc có nhiều thông tin. Họ cũng yêu cầu tình nguyện viên tự đánh giá tính cách và mức độ hài lòng với cuộc sống thông qua các mẫu có sẵn.
Kết quả cho thấy các tình nguyện viên cảm thấy hạnh phúc có thời gian nói chuyện lớn hơn 70% so với người bất hạnh nhất. Trong khi đó thời gian sống trong tình trạng đơn độc của những người bất hạnh nhiều hơn người hạnh phúc khoảng 25%.
So với nhóm cảm thấy bất hạnh nhất, số lượng các cuộc hội thoại có hàm lượng tri thức của những người hạnh phúc nhất cao gấp đôi, nhưng số lượng các cuộc nói chuyện vặt vãnh của họ chỉ bằng 1/3.
Những phát hiện này – được đăng chi tiết trên tạp chí Psychological Science – cho thấy những cá nhân hạnh phúc có xu hướng hòa mình vào xã hội xung quanh và thực hiện những cuộc hội thoại có nhiều thông tin. Ngược lại, những cá nhân bất hạnh thường sống khép kín và nói những câu chuyện hời hợt, ít thông tin hữu ích.
Các nhà khoa học cho rằng những cuộc hội thoại có hàm lượng tri thức cao có khả năng khiến con người cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này không chỉ ra rằng cuộc hội thoại có thông tin là nguyên nhân hay kết quả của cảm giác hạnh phúc.
Nguồn: VNExpress