Nhà văn Hoàng Anh Tú bày tỏ, chúng ta sốc khi đọc tin một cô gái trẻ chết trong căn hộ của khu chung cư đông đúc hơn một năm mới phát hiện ra. Nếu đó là chuyện xảy ra ở nước ngoài, nơi người ta tôn trọng sự riêng tư của nhau, thậm chí coi việc xâm phạm quyền riêng tư là trọng tội, thì đã chẳng sốc. Chứ ở Việt Nam, nơi vẫn quen nói rằng “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” thì thực sự choáng váng.
Ở cái thời công nghệ hiện đại với mạng xã hội, wifi, 5G những tưởng kết nối giữa người với người là vô tận. Ai cũng có đến cả 5.000 người bạn trên Facebook, ai cũng 5-10 hội nhóm Zalo, group. Còn chưa kể hội lớp, hội trường, hội đồng niên, hội đồng hương… Ai cũng có ít thì 5-10 nhóm bạn, nhiều có khi cả trăm. Kết nối xuyên quốc gia, toàn cầu. Vậy mà…. Mỗi chúng ta đều có một chiếc sofa của đời mình. Nó có thể là chiếc điện thoại để lướt mạng xã hội, xem tiktok, khóc cười cùng 7749 câu chuyện của thiên hạ. Chúng ta lướt một lèo là có thể “trò chuyện”, “hiểu thấu” cả trăm người bạn mà không cần gặp họ ngoài đời.
Là cả bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp với nhau nữa. Những mối quan hệ xã hội nhiều khi rành rẽ về nhau qua những status người kia post, mà chẳng nhìn sâu vào mắt nhau. Có những hội nhóm cả trăm người nhưng kết nối chỉ bằng lợi ích. Có những cơ quan, công sở người ta cười nói vui vẻ với nhau đấy nhưng việc ai nấy làm, chẳng ai còn quan tâm đến ai vì hai chữ “riêng tư”… Nhưng những đứt gãy trong gia đình, trong láng giềng là có thật.
Theo thông tin trên mạng, cô gái sinh năm 1995, gia đình trâm anh thế phiệt. Cô du học ngành Kinh tế chính trị và Triết học, rồi học lên thạc sỹ Quan hệ quốc tế và Ngoại giao. Nhà cô mua nhiều nhà, và ba mẹ không biết là cô đang ở căn nhà nào. Gia đình cũng có đi tìm, nhưng vì lý do gì đó mà không thông báo công khai rộng rãi…
Chưa kể tới những ứng dụng quá tiện lợi của ngân hàng, chỉ cần một lần cài đặt là tháng tháng nó tự động chuyển tiền điện tiền nước, tiền phí chung cư đều tự động… đúng hẹn, mà thậm chí không cần bạn sống…
Cũng tuần trước nữa, ở gần cơ quan tôi, một khu dân cư sầm uất, nhưng đã có một bà cụ ngoài 70 tuổi chết trong nhà 3 - 4 ngày mà không ai hay. Sự việc chỉ được biết đến khi xác chết đã bị phân hủy. Hàng xóm nói rằng, vì bà khó tính, con cái không ở gần nên mới nên nỗi… Có lẽ những câu chuyện ra đi một mình dường như đang dần xuất hiện trong cuộc sống hôm nay. Nơi chúng ta có nhiều kết nối thông minh nhưng những ánh nhìn thấu hiểu, sự va chạm xúc cảm, yêu thương lại đang nhạt nhòa đến giật mình.
Ai cũng nghĩ rằng mọi người đều đang ổn. Họ vẫn đang cười nói vui vẻ, hạnh phúc trên mạng xã hội. Thậm chí, cuộc sống của họ là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng phía sau cánh cửa mỗi gia đình, không phải tất cả đều là tổ ấm. Nơi ấy, có những cha mẹ khoác lên con cái những giấc mơ, khát vọng của đời mình mà họ không chạm tới được. Nơi có những cặp vợ chồng đã sống cuộc sống ảo nhiều hơn là thực. Nơi trong căn nhà bỗng mênh mông xa ngái khi mỗi người một chiếc điện thoại với những niềm riêng… Và họ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình! Ai cũng nghĩ rằng tất cả cả đang ổn…
Còn nhớ một câu chuyện trên mạng về một công nhân bị sự cố khóa trái cửa trong kho lạnh, cô bị nhốt lại bên trong. Cô không mang điện thoại, bên ngoài không ai biết. Nhà máy tan ca, mọi người đi về. Tiếng gào khóc của cô không ai nghe được nữa. Khi cô tuyệt vọng, tưởng như mình sắp chết, thì bất ngờ được người bảo vệ đến mở cửa, cứu ra ngoài. Tại sao cô may mắn vậy? Người bảo vệ trả lời: “Tôi nhớ mặt cô. Vì sáng sớm đi làm cô cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi. Nhưng tối nay tôi không nghe thấy tiếng cô chào, tôi thấy bất thường và đi kiểm tra”...
Có lẽ trong số hàng ngàn công nhân ở đó, đã không ai để tâm tới người mở cổng, đóng cổng cho họ ngoài cô gái. Và câu chào hỏi đã cứu sống cô ấy. Ý này đã được đưa vào phim Mai dịp Tết vừa qua, khi Mai bị nhốt trong WC. Như thế, chính sự tử tế với mọi người, với những điều bé mọn trong cuộc đời, khi mình biến mất, ít nhất có người nhận ra…
Đành rằng, thực tế, có thể tất cả chúng ta đều đang không ổn. Nhưng mọi điều ở bên ngoài chúng ta sẽ chẳng có gì bất thường. Bởi dù đau đớn, vỡ vụn, những ẩn ức, những mất mát, sự tổn thương khiến chúng ta quay vào thế giới bên trong mình. Nếu chúng ta không chia sẻ, sẽ không ai biết được, cho đến khi một ai đó bất ngờ ra đi…
Cuộc sống quá đỗi vô thường, đôi khi chúng ta không kịp cho một lời chào tạm biệt! Đôi khi chúng ta sẽ không biết trước đâu là cuộc gặp cuối! Thế nên, thay vì nhìn vào smartphone, chúng ta hãy dành thời gian bên bạn bè, người thân, lắng nghe, nhìn vào mắt nhau. Hãy níu nhau thêm chút nữa, thay vì vô tình lướt qua nhau… Cuộc sống có những ngày rất vội nhưng cũng cần những ngày chậm lại, cần những ấm áp, những bàn tay chìa ra kéo ai đó đứng dậy trong tuyệt vọng, chứ không phải những nút chia sẻ đầy cảm tính trên mạng xã hội. Mỗi chúng ta chậm lại một chút, níu lại, lưu luyến và để tâm đến nhau thêm một chút trong cuộc đời này, sẽ bớt đi những giật mình. Khi những đáng tiếc ấy chẳng thể làm lại thêm một lần nào nữa với một ai đó đã rời đi…